Bệnh nhân Đ.T.L. (25 tuổi, ở Hà Nội) uống rượu bia nhiều trong thời gian dài và chế độ ăn uống không hợp lí. Khi đi khám bệnh ở những tuyến dưới, anh L. không phát hiện ra bệnh. Khi bệnh trở nặng, anh đi khám nội soi, phát hiện ra viêm loét dạ dày nặng có chuyển biến xấu. Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, người trực tiếp thăm khám, cho biết: “Độ tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày càng trẻ hóa. Chuyên khoa Tiêu hóa của MEDLATEC đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi, mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng”.
PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, ung thư dạ dày là một trong những bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao ở nước ta và đang có xu hướng trẻ hóa. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi, nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao.
Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Theo PGS Hà, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lí ác tính phổ biến, dễ di căn. Có một tỉ lệ lớn bệnh nhân mắc ung thư dạ dày trước đó có tiền sử mắc các bệnh về dạ dày như: viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP... Bệnh ở giai đoạn sớm không có biểu hiện gì đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng thượng vị, kèm ợ hơi, ợ chua, các triệu chứng này thường mọi người không quan tâm đến. Ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện của bệnh rầm rộ hơn: đau bụng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém, chán ăn, gầy sút cân. Giai đoạn muộn, người bệnh suy kiệt, nôn nhiều (hẹp môn vị), nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa), viêm phúc mạc do thủng dạ dày…
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày tại Bệnh viện K - Ảnh: Hà Trần
“Có nhiều người bị các bệnh lí về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn”, PGS Hà lưu ý.
Yếu tố lối sống
Hiện nay, người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố này sớm hơn, như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…). Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K, nhận định: “Nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại, ti vi... Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội tiết. Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư”. Một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là lối sống ít vận động.
Theo bác sĩ Nam, các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lí, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lí, điều độ.