Bệnh nhân Covid-19 "quát" bác sĩ và câu chuyện phía sau

24/09/2021 08:33

“Tôi chỉ về nếu đi cùng ba tôi”, anh T. quát lớn, mắt đỏ hoe. Người đàn ông 45 tuổi òa khóc như đứa trẻ. Anh muốn ở bên cha thời điểm này, hơn bất cứ lúc nào…

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa chia sẻ một câu chuyện xúc động trong những ngày anh và các đồng nghiệp vào miền Nam chi viện.

“Xin bác sĩ đừng cho tôi ra viện”. Đó là câu đầu tiên anh N.V.T (45 tuổi, TP.HCM) nói với tôi khi nhận thông báo xét nhiệm PCR SARS-CoV-2 của anh đã âm tính, đủ tiêu chuẩn xuất viện. Trái lại với cảm xúc vui mừng và những lời cảm ơn bác sĩ như bệnh nhân khác, anh tỏ ra rất buồn bã.

Lúc này, tôi mới đặt chân vào TP.HCM nên không biết anh là con của bệnh nhân N.V.L (83 tuổi) ở phòng cấp cứu bên cạnh, muốn xin ở lại cùng ông.

Việc của tôi là cho anh ra viện, giải phóng bệnh phòng để có thể nhận bệnh nhân mới, giảm công việc khác cho nhân viên y tế. Lẽ ra, tôi chỉ cần thông báo với anh điều đó. Ba của anh, chúng tôi vẫn đang điều trị, chăm sóc tốt và đa phần người bệnh ở đây cũng chỉ có một mình.

Nhưng dù sao, tôi vẫn phải làm công tác tư tưởng cho anh. Câu chuyện trở lên căng thẳng hơn khi anh quát lớn: “Tôi chỉ về nếu đi cùng ba tôi”.

Mắt đỏ hoe rồi anh khóc như 1 đứa trẻ nhưng là đứa trẻ đang mắc lỗi. Người đàn ông 45 tuổi cảm thấy có lỗi vì đã lây bệnh cho ba. Anh muốn ở bên ba mình thời điểm này, hơn bất cứ lúc nào. Tôi chưa cho anh được câu trả lời vì còn xin ý kiến sếp. Còn anh vẫn nhìn theo tôi với ánh mắt đầy hy vọng…”

benh-nhan-covid-19-quat-bac-si-va-cau-chuyen-cam-dong-phia-sau-1.jpg
Một bệnh nhân Covid-19 trung tuổi chăm sóc cho người cha tại Khu chăm sóc và điều trị Covid-19 lầu 3, Bệnh viện 30-4 - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cùng đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang trực tiếp tham gia điều trị tại Bệnh viện 30-4 (TP.HCM).

Kíp của anh Thiệu tăng cường vào Nam từ ngày 9/9, làm việc trong Khu chăm sóc và điều trị Covid-19 lầu 3, Bệnh viện 30-4, nơi có khoảng 150 bệnh nhân Covid-19. Sau đó đúng 1 ngày, anh tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.T cùng ba là cụ N.V.L trong câu chuyện nói trên.

Bác sĩ Thiệu cho hay, anh T và ba nhập viện chiều ngày 10/9, đúng thời điểm mưa gió lớn. Khi ấy, anh T có triệu chứng ho khan, còn ông L sốt nhẹ, mất khứu giác. Hai ba con được sắp xếp nằm cùng buồng bệnh.

Khoảng 5 ngày sau, tình trạng phổi của người cha xấu đi, cần can thiệp thở oxy, chuyển sang phòng cấp cứu. Mỗi ngày, trừ thời gian phải nằm truyền thuốc, anh T đều sang phòng bên cạnh để chăm sóc ba, vỗ rung giúp phổi ông lưu thông tốt hơn.

Đến ngày 20/9, người con đủ thời gian không xuất hiện triệu chứng bệnh, 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính; trong khi người cha vẫn dương tính, chưa cai được oxy. Bác sĩ Thiệu thông báo anh T sẽ được xuất viện vào hôm sau. Tuy nhiên, anh tha thiết xin ở lại.

Hỏi ra mới biết, anh T trước đó vẫn cố gắng đi làm và không may mắc bệnh, sau đó lây cho cả gia đình. Các thành viên khác không có triệu chứng nên điều trị tại nhà, còn anh và người cha phải nhập viện. Anh rất ân hận và lo lắng cho ba nên muốn được ngày ngày theo dõi, chăm sóc ông.

“Nếu đồng hồ quay ngược, tôi sẽ không ra đường nữa”, người đàn ông 45 tuổi nói.

“Khi anh ấy quát lên, trực trào nước mắt, tôi rất hiểu và thấy thương bệnh nhân. Làm lây bệnh cho chính người thân của mình, nhất là khi người thân diễn tiến nặng, anh ấy chắc chắn sẽ áp lực và lo lắng. Đôi khi, anh suy nghĩ đơn giản rằng nếu như không “làm căng” thì bác sĩ sẽ khó giải quyết nguyện vọng cho họ”, bác sĩ Thiệu chia sẻ.

Bác sĩ Thiệu sau đó giải thích kỹ cho bệnh nhân T về tình trạng của người cha. Theo đó, ông L gần tới ngày thứ 14 tính từ ngày khởi phát bệnh nên có thể coi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, tiên lượng cai được oxy. Hơn nữa, dù có người nhà bên cạnh hay không, các nhân viên y tế vẫn chăm sóc trọn vẹn cho bệnh nhân, từ vấn đề ăn uống, vệ sinh, lau người,…

Sau khoảng 15 phút trò chuyện cùng bác sĩ, anh T đã bình tĩnh và yên tâm hơn.

benh-nhan-covid-19-quat-bac-si-va-cau-chuyen-cam-dong-phia-sau-2.jpg

Buồng bệnh tại Khu chăm sóc và điều trị Covid-19 lầu 3, Bệnh viện 30-4 - Ảnh: bác sĩ cung cấp

benh-nhan-covid-19-quat-bac-si-va-cau-chuyen-cam-dong-phia-sau.jpg
Các bác sĩ cấp cứu cho 1 ca Covid-19 chuyển nặng - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Những câu chuyện tương tự như trên không hiếm gặp tại các bệnh viện điều trị Covid-19 những ngày này, cả ở miền Bắc và miền Nam. Theo bác sĩ Thiệu, đa số các bệnh nhân Covid-19 đều có vấn đề về tâm lý.

Ngoài lo lắng cho sức khỏe của chính bản thân mình, áp lực vì nằm viện lâu dài, kinh tế bị ảnh hưởng,… họ thường rất day dứt vì lây cho người khác. Nếu bị trách ngược hoặc biết tin người mình làm lây bệnh trở nặng, họ càng mặc cảm, phiền muộn.

“Chúng tôi thường phải động viên bệnh nhân rất nhiều, rằng mắc bệnh là điều không ai muốn, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của dịch bệnh. Chúng ta bị lây từ ai đó rồi lại lây tiếp cho người khác, không ai muốn rơi vào mắt xích vô tận đấy cả”, bác sĩ Thiệu nói.

Rất nhiều bệnh nhân Covid-19 xin ở lại sau khi bác sĩ thông báo đủ tiêu chuẩn xuất viện, bởi họ muốn được trực tiếp theo dõi diễn tiến của người thân, chăm lo cho người thân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải trường hợp nào cũng có thể được đáp ứng mong muốn…

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/benh-nhan-covid-19-quat-bac-si-va-cau-chuyen-phia-sau-777519.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/benh-nhan-covid-19-quat-bac-si-va-cau-chuyen-phia-sau-777519.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân Covid-19 "quát" bác sĩ và câu chuyện phía sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO