Đợi chờ trong lo lắng bệnh tật
Từ sáng sớm, bà Huỳnh Thị Nghĩa (71 tuổi, quận 1, TPHCM) đã xếp hàng tại Khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy để chờ được xạ trị.
Bà Nghĩa được chẩn đoán mắc u não cách đây 4 năm và được chỉ định phẫu thuật. Hằng năm bà Nghĩa vẫn đi tái khám, nhưng không may trước Tết bà phát hiện thêm khối u não kích thước lớn hơn. “Tôi mắc khối u lớn nên bác sĩ không cho tôi phẫu thuật nữa mà chuyển sang xạ trị. Đây là lần thứ 18 tôi xạ trị, để có được lịch xạ trị của những lần tiếp theo tôi phải đợi khoảng 3 tuần mới đến lượt vì máy xạ trị từ 4 máy nhưng nay chỉ có 2 máy hoạt động nên bệnh nhân dồn lại đông” - bà Nghĩa chia sẻ.
Đợi chờ được khám bệnh, rồi lại đợi chờ xạ trị, nhiều lúc bà Nghĩa lo tình trạng bệnh của mình sẽ chuyển biến nhanh hơn.
Ngổn ngang, mệt mỏi cũng là tâm trạng của anh Nguyễn Thanh Bình - 44 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu. Anh được chẩn đoán u ác vòm mũi, có chỉ định hóa trị và xạ trị. Đang xạ trị dở dang, ngày 20.1, anh nhận thông báo về nhà nghỉ ngơi, khi nào bệnh viện gọi thì lên xạ tiếp!
“Bạc Liêu quê tôi xa lắm, cách TPHCM trên 300km, đi lại khó khăn nhưng cũng phải về nhà nằm chờ điện thoại. Mới tuần trước, tôi còn phải chờ đến 21h mới được xạ vì đông người bệnh quá” - anh nói.
Máy móc đóng băng, bệnh nhân chịu thiệt
Lý giải tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Văn Đô - Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nơi đây có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động. Số máy còn lại đã “đóng băng” gần 1 năm qua.
Theo bác sĩ Đô, trung bình mỗi ngày, gần 400 bệnh nhân ung thư sẽ xạ trị. Trang thiết bị hiện tại khiến cho anh và đồng nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. “Hai máy dừng hoạt động từ quý II/2022 vì đã hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các vấn đề đấu thầu. Nếu xạ trị không đúng kế hoạch điều trị, việc kiểm soát bệnh chắc chắn sẽ không tốt” - bác sĩ Đô nói.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tìm mọi phương thức để khắc phục tình cảnh trên. Một số người bệnh được hội chẩn lại để chuyển sang mô thức điều trị khác (như hóa trị) để tránh nguy cơ chuyển nặng trong thời gian chờ xạ trị.
Bên cạnh đó, thời gian làm việc của y bác sĩ phải kéo dài từ 6h sáng đến 1-2h sáng hôm sau, cố gắng giải quyết tốt nhất cho người bệnh. Nhờ vậy, số lượng chờ xạ trị giờ đây còn khoảng hơn 100 ca, thời gian chờ từ 2-3 tuần.
“Tôi làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên việc sửa chữa máy móc gặp khó khăn đến như vậy” - bác sĩ Đô chia sẻ.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, PGS-TS-BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, việc xây dựng giá gói thầu hiện dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá. Trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được. Dù là Bệnh viện Bạch Mai hay Chợ Rẫy, khi mở gói thầu lớn, những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ dao động 30-40%.
Với sản phẩm không có đủ 3 báo giá, Thông tư 68 đã đưa ra nhiều giải pháp như thẩm định giá, giá kê khai… Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu rất kỹ nhưng khẳng định các biện pháp đó rất khó triển khai trong thực tế.
Do đó, viện kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cho phép các bệnh viện được phép sử dụng máy đặt máy mượn, giảm tình trạng quá tải, thiếu máy móc hoá chất trong hoạt động khám chữa bệnh.