Thách thức khi triển khai hộ chiếu vaccine

12/03/2021 06:02

Con đường hiện thực hóa hộ chiếu vaccine gặp phải rào cản từ kỹ thuật cho đến khoa học, đạo đức, chính trị và pháp lý.

"Hộ chiếu vaccine" hay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 được coi là "ánh sáng cuối đường hầm" cho tự do đi lại toàn cầu. Dù một số quốc gia đang hứng khởi thảo luận vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng quãng đường đến với hộ chiếu vaccine còn khó khăn và phức tạp.

Họ nhận định hộ chiếu vaccine có thể khiến nhiều người dân chủ quan khi di chuyển, trong bối cảnh hiệu quả vaccine Covid-19 với biến thể còn chưa rõ ràng. Nó còn khoét sâu sự thiếu công bằng vốn có, khi nhiều nước giàu đã đặt mua và tích trữ vaccine từ giai đoạn thử nghiệm.

"Tôi nghĩ chúng hữu ích về lâu dài, nhưng có một số rủi ro trước mắt và các bằng chứng khoa học chống lại ý tưởng này. Tôi cũng nhận thấy các mối nguy về đạo đức", tiến sĩ Deepti Gurdasani, chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary ở London, nói. "Chúng ta chưa biết nhiều về hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm biến thể và không triệu chứng".

Trong tuyên bố hồi cuối tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhà chức trách "không nên yêu cầu chứng nhận tiêm phòng hoặc miễn dịch như một điều kiện nhập cảnh" vì "hiệu quả vaccine vẫn còn là ẩn số".

Thực tế, sau khi tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna, cơ thể cần từ 8 đến 10 ngày để sản sinh kháng thể. Trong thời gian đó, người dùng vẫn có thể nhiễm nCoV hoặc truyền bệnh cho người khác. Đây là điều tương đối bình thường, song sẽ làm phức tạp hóa nỗ lực triển khai hộ chiếu vaccine. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chưa rõ miễn dịch do vaccine tạo ra có thể duy trì trong bao lâu.

Các biến thể của từng khu vực cũng ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine. Biến thể Nam Phi chứa đột biến có khả năng trốn tránh hệ miễn dịch. Đầu tháng 2, giới chức châu lục này đã tạm dừng phân phối vaccine AstraZeneca sau khi nghiên cứu cho thấy nó ít có tác dụng trước biến thể. Chuyên gia lo ngại đưa hộ chiếu tiêm chủng vào sử dụng trên toàn cầu khi các loại vaccine có hiệu quả chưa nhất quán có thể khiến đại dịch diễn biến phức tạp hơn.

Về khía cạnh đạo đức, hộ chiếu vaccine có thể dẫn đến phân biệt giữa người đã tiêm và chưa tiêm chủng.

Báo cáo của Economist Intelligence Unit công bố hồi tháng trước dự đoán phần lớn dân số trưởng thành của nước giàu có sẽ được tiêm phòng giữa năm tới. Ngược lại, mốc thời gian này kéo dài đến năm 2023 đối với quốc gia thu nhập trung bình và năm 2024 với nước thu nhập thấp. Điều này nhấn mạnh khoảng cách về vaccine giữa các nền kinh tế.

"Cái gọi là hộ chiếu vaccine đảm bảo người đã miễn dịch với Covid-19 có thể trở lại cuộc sống bình thường. Vậy điều gì xảy ra với những người khác?", Liberty - Hội đồng Quốc gia về Tự do Dân sự của Anh, đặt câu hỏi.

"Có rất nhiều đề xuất về hộ chiếu vaccine. Một số cho rằng nên sử dụng hạn chế để du lịch nước ngoài, số khác thì kém cụ thể hơn. Hàng loạt ý tưởng công nghệ được đưa ra, từ mã QR đến ứng dụng, thậm chí thẻ vật lý. Song điều mà mọi đề xuất đều bỏ qua, đó là không một loại hộ chiếu, chứng nhận nào không vi phạm nhân quyền", hội đồng nhận định.

Lawrence Gostin, giáo sư Đại học Georgetown kiêm Giám đốc Trung tâm Hợp tác về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), phân tích thêm: "Một cuộc khủng hoảng đạo đức rất lớn sẽ nổ ra toàn cầu khi những nước có thu nhập cao như Israel, Mỹ hay châu Âu có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Nhưng với các nước nghèo, đa phần người dân sẽ không được tiêm vaccine trong nhiều năm nữa. Chúng ta có thực sự muốn ưu tiên cho những người vốn đã có rất nhiều đặc quyền không?".

Thẻ xanh kèm mã QR chứng nhận người dân đã tiêm chủng Covid-19, ngày 3/3 tại Isreal. Ảnh: AFP

Thực tế, hộ chiếu vaccine chưa được chuẩn hóa giữa các quốc gia. Tiến trình đồng bộ hóa loại giấy tờ này trên toàn cầu có thể gặp phải thách thức về pháp lý, đồng thời dấy lên lo ngại về quyền truy cập dữ liệu cá nhân.

Nhóm Ứng phó Khẩn cấp Covid-19 của Hiệp hội Hoàng gia, Học viện Khoa học Quốc gia Anh, nêu ra 12 điều kiện cần đảm bảo nếu muốn triển khai hộ chiếu vaccine. Nhóm đề nghị đặt ra tiêu chuẩn chung quốc tế, an toàn dữ liệu cá nhân, đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức, điều chỉnh sự khác biệt về hiệu quả của vaccine và những thay đổi của chúng khi gặp biến thể mới.

"Hiểu hộ chiếu vaccine có thể dùng làm gì là câu hỏi cơ bản. Đó là hộ chiếu theo nghĩa đen, cho phép đi lại giữa các nước hay được sử dụng trong nước, cho phép người dân làm mọi thứ tự do hơn?", giáo sư Melinda Mills, giám đốc Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học Leverhulme tại Đại học Oxford, cho biết.

"Chúng ta cần có cuộc thảo luận sâu rộng hơn về nhiều khía cạnh của hộ chiếu vaccine, từ khoa học miễn dịch đến quyền riêng tư, các thách thức kỹ thuật, đạo đức và tính hợp pháp của nó", ông nói thêm.

Theo CTV, CNBC, CNN, AFP

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thách thức khi triển khai hộ chiếu vaccine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO