Đắp tỏi trị ho, mẹ choáng vì chân hai con sưng phồng

10/10/2020 16:44

Nhiều bà mẹ rỉ tai nhau cách đắp tỏi để trị ho con con, ai dè ho không hết lại còn thêm bệnh bỏng.

Đắp tỏi trị ho, mẹ choáng vì chân hai con sưng phồng

Hình ảnh chân bé bị sưng phồng sau khi đắp tỏi (ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thị Hoài Phương ở Hà Đông, Hà Nội kể lại câu chuyện bé Bon của chị bị bỏng gan bàn chân chỉ vì chị dùng tỏi đắp.

Chị Phương cho biết, thời tiết thay đổi nên bé Bon thường xuyên ho về đêm, kéo dài nhiều ngày, mặc dù chị đã cho uống thuốc nhưng chỉ dứt được vài ngày. Một lần chị nghe đồng nghiệp mách, có thể giã tỏi để đắp vào lòng bàn chân, lấy băng dính dán lại để làm nóng chân cho bé, cách này chưa ho rất hiệu nghiệm.

Chị Phương về vội vàng làm thử, chờ con ngủ, chị lấy 2 củ tỏi rồi giã nhỏ và đắp vào lòng bàn chân con. Nghĩ rằng để tinh dầu tỏi phát huy tác dụng không bị mất nhiệt, chị lấy bông gạt y tế quấn chặt vào chân bé.

Đến nửa đêm, thấy bé quấy khóc đạp chân, nhưng vì thấy bé không ho nên chị không tháo tỏi dưới chân con ra. Được 1 lúc thì bé lại khóc, lúc này chị Phương mới tháo ra, thấy con nằm im ngủ, chị lại nghĩ cách này khá hiệu nghiệm.

Nhưng thật sốc, sáng thức dậy, chị Phương không tin vào mắt mình khi nhìn hai gan bàn chân của con sưng phổng nước. Hai vợ chồng vội vàng cho bé đi khám, tới bệnh viện, sau khi nói qua tình hình của con thì bị bác sĩ mắng vì cách làm hại con, chân con đã bị bỏng vì đắp tỏi.

Không riêng gì chị Phương, hiện nay có rất nhiều bà mẹ có con nhỏ cũng áp dụng kiểu chữa ho truyền miệng bằng cách đắp tỏi. Kết quả, các con thì không hết ho nhưng lại thêm 1 bệnh nữa là bị bỏng da.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – addmin nhóm Bác sĩ yêu con nít tại TP.HCM cho biết, anh cũng từng chứng kiến những đứa trẻ bị bỏng do cha mẹ, ông bà chữa ho, đau bụng theo cách dân gian là đắp tỏi, đắp lá trầu hơ nóng…

Bác sĩ Sang cho biết tỏi là một loại thực vật có tính sát khuẩn mạnh và được áp dụng từ xa xưa. Đặc tính kháng khuẩn này có được là nhờ tỏi có chứa các hợp chất lưu huỳnh như diallyl disulfide, allicin, và allyl propyl disulfide. Hóa chất từ tỏi, đặc biệt chất diallyl dislfide dễ gây bỏng, trong khi đó da trẻ rất mềm mỏng.

Bác sĩ Sang cho biết, anh từng tiếp nhận 1 trẻ bỏng da tẩm rượu vào lòng bàn chân, bé khác bỏng do dùng dầu nóng xoa lòng bàn chân, đắp lá trầu hơ nóng áp lên ngực… đây toàn là những phương pháp chữa bệnh chưa rõ hiệu quả nhưng đều để lại hậu quả cho trẻ.

Nhiều bà mẹ sợ con dùng thuốc tây sớm sẽ có hại cho sức khỏe nên một trong những thói quen của các mẹ khi con xuất hiện các triệu chứng ốm ban đầu đó là học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, áp dụng các bài thuốc dân gian hay các bài thuốc có nguồn gốc thiên nhiên.

Chữa bệnh bằng mẹo dân gian cho con được nhiều thế hệ ông bà truyền lại cho con cháu đời sau. Thế nhưng không phải cách chữa mẹo dân gian nào cũng có tác dụng, đặc biệt có một số mẹo nếu không tìm hiểu kỹ lại có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.

Bác sĩ Bùi Thị Thanh – Bệnh viện Medlatec Hà Nội cũng cho biết, chị từng gặp bệnh nhân bị bỏng tỏi do đắp tỏi trị mụn.

Theo bác sĩ Thanh, tỏi có tính nóng, trong tỏi có thành phần allicin lớn có tác dụng kháng khuẩn mạnh nên đắp lâu trên da rất dễ gây bỏng da, nhất là da vùng nhạy cảm như da mặt. Vết tổn thương do bỏng thường để lại những vết thâm rất lâu sau đó.

Khi bị bỏng tỏi, cần chăm sóc vết thương như một tổn thương bằng cách rửa nước muối sinh lý hàng ngày, bôi kem mỡ kháng sinh phòng nhiễm khuẩn.

Trường hợp bị bỏng nhẹ, nếu điều trị đúng cách thì da sẽ trở lại bình thường, không có sẹo. Nhưng đôi khi da tại vết vỏng bị thâm lại, đó là quá trình tăng sắc tố sau viêm. Vết thâm này có thể có sau khi bôi một số thuốc hay một số loại thực vật.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đắp tỏi trị ho, mẹ choáng vì chân hai con sưng phồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO