Bệnh cường giáp cần trị sớm để tránh nguy hiểm

Phương Linh| 15/04/2022 13:23

Theo các bác sĩ, bệnh cường giáp ban đầu lành tính, nhưng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời người bệnh sẽ dễ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ, nguy cơ tử vong cao.

Nhiều người phải nhập viện điều trị

Khoảng một tuần trước, chị N.T.L (40 tuổi, ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) thấy mệt nhiều, nuốt nghẹn, run tay chân, hồi hộp trống ngực nên đến phòng khám Nội tiết, Bệnh viện Bãi Cháy khám. Từ các triệu chứng, kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, chị mắc bệnh cường giáp (còn gọi là bệnh Basedow).

Chị được chuyển đến khoa Nội tổng hợp bệnh viện điều trị. Sau một tuần điều trị, các triệu chứng trên của người bệnh đã thuyên giảm rất nhiều.

benh-cuong-giap.jpg
Chị N.T.L đang điều trị biến chứng cường giáp tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Ngô Thị Thu Hà, khoa Nội tổng hợp, cho biết trung bình mỗi ngày phòng khám Nội tiết của Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận có khoảng từ 10-15 bệnh nhân mắc bệnh cường giáp đến khám, trong đó có 2-3 người phải nhập viện điều trị nội trú do biến chứng.

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động, sản xuất nhiều hormone giáp và tăng nồng độ hormone giáp trong máu. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ từ 20 – 40 tuổi. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng của bệnh thường là: tuyến giáp to ở các mức độ khác nhau, mắt lồi, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim tăng, gầy sút cân. Ngoài ra, người bệnh có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ...

Theo bác sĩ Hà, hiện nay cường giáp là bệnh tự miễn có nguyên nhân theo thống kê có khoảng 70% người bị bệnh do di truyền. Còn lại do các yếu tố khác như: tuổi tác, môi trường sống, cơ địa, giới tính, hóa chất có trong thực phẩm ăn uống hằng ngày.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, ăn quá nhiều i-ốt, điều trị lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, nhiễm khuẩn hoặc virus, đột ngột ngừng điều trị corticoid cũng dễ bị bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Nga, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, bệnh cường giáp nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đối với phụ nữ mắc bệnh cường giáp trong thời gian mang thai có thể phải đối mặt với biến chứng sẩy thai, sinh non, rối loạn chức năng tuyến giáp của thai, suy thai, suy tim và tiền sản giật.

Cường giáp có thể làm rối loạn nhịp tim, thay đổi trong cấu trúc và chức năng của cơ tim, khiến tim không bơm đủ máu để nuôi dưỡng cơ thể nên dễ dẫn đến đột quỵ, sung huyết tim. Đặc biệt là xuất hiện cơn bão giáp. Đây là một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

cuong-giap.jpg
Theo các bác sĩ, bệnh cường giáp ban đầu là bệnh lành tính, nhưng nếu không phát hiện, điều trị kịp sẽ dễ bị biến chứng. Ảnh minh họa.

Người bị bệnh cường giáp cần hạn chế ăn gì?

Theo bác sĩ Hà, phương pháp điều trị bệnh cường giáp thường là điều trị nội khoa hoặc xã trị bằng i-ốt 131 hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Đối với phương pháp điều trị nội khoa là phương pháp bảo tồn, bệnh nhân phải uống thuốc kéo dài.

Bác sĩ Hà khuyến cáo, để phòng bệnh, đối với người bị bệnh cường giáp cần đặc biệt hạn chế, tránh hoàn toàn các thực phẩm giàu i-ốt như: muối, hải sản, rong biển… Người bệnh cũng nên hạn chế các thực phẩm trứng, sữa và đồ cay nóng.

Việc bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng là rất cần thiết cũng giúp phòng bệnh cường giáp. Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao, giữ một chế độ sống lành mạnh cũng giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe.

Theo bác sĩ Hà, cường giáp gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm. Vị bác sĩ khuyến cáo, chúng ta cần có lối sống lạnh mạnh, luôn tạo cho mình thói quen đi thăm khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc bản thân khoa học để luôn giữ được sức khỏe tốt.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh cường giáp cần trị sớm để tránh nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO