Nguy cơ lây lan ra cộng đồng thấp
Mới đây, sau khi ghi nhận một ca bệnh bạch hầu tử vong tại tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Căn bệnh này có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp và có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời nên dư luận đặc biệt quan tâm.
Thông tin về bệnh bạch hầu, BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người chưa tiêm chủng hoặc mất hiệu lực vắc xin, nguy cơ tử vong của căn bệnh này từ 10-20%.
"Tỉ lệ tử vong do bệnh bạch hầu cao hơn COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh bạch hầu thấp hơn COVID-19. Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện rải rác ở các địa phương nhưng không gây đại dịch như COVID-19 nên người dân có thể yên tâm, không cần quá lo lắng", bác sĩ Cấp thông tin thêm.
Vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Bệnh nhân bị bệnh bạch hầu thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khàn tiếng, đau đầu, hơi thở có mùi, da xanh tái, tắc nghẽn thanh quản và đường hô hấp dưới gây khó thở.
Chia sẻ về biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu, BSCKII Nguyễn Trung Cấp cho biết, nếu tình trạng giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp thì có thể gây bít tắc đường hô hấp. Các mảnh giả mạc có thể rụng ra, nếu bệnh nhân hít phải có thể gây sặc, tắc đường thở. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân bạch hầu có diễn biến nặng, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng viêm cơ tim, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, tổn thương ống thận sau đó dẫn đến tình trạng suy thận cấp...
Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, bác sĩ Cấp cho biết, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa để tránh bị mắc, hoặc nếu mắc thì bệnh cũng nhẹ hơn.
Bác sĩ cấp cũng lưu ý, hiệu lực bảo vệ của vắc xin bạch hầu có thời gian ít nhất 10 năm. Vì vậy sau 10 năm, kháng thể bảo vệ ở một số người có thể sụt giảm nên những người đã tiêm phòng vắc xin vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh và có diễn biến nặng.Vì vậy, bác sĩ Cấp cũng khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin một thời gian dài, người dân nên đi tiêm nhắc lại để bảo vệ sức khỏe.