Bên trong Nhà Trắng những ngày khủng hoảng Ukraine "căng như dây đàn"

Đức Hoàng| 17/02/2022 20:52

Bên trong Nhà Trắng những ngày qua, các động thái chuẩn bị đã được tiến hành cho các kịch bản tiềm tàng khi căng thẳng Nga - Ukraine không ngừng leo thang.

Bên trong Nhà Trắng những ngày khủng hoảng Ukraine căng như dây đàn - 1

Binh sĩ Mỹ từ căn cứ Fort Bragg, North Carolina lên máy bay để triển khai đến Đông Âu hôm 3/2 (Ảnh: Reuters).

Theo Washington Post, trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Nga và Ukraine nóng lên trong suốt thời gian qua, Nhà Trắng đã lập ra "Nhóm Tiger", chịu trách nhiệm vạch ra hướng phản ứng của Washington trước mọi kịch bản có thể xảy ra, từ việc Nga phô diễn năng lực quân sự giới hạn, cho tới nguy cơ bùng phát xung đột quy mô lớn.

Nhóm Tiger đã tổ chức 2 cuộc diễn tập thực tế kéo dài hàng giờ đồng hồ về hướng phản ứng trước mọi diễn biến, với sự tham gia của các quan chức trong nội các của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mục tiêu của việc diễn tập là nhằm đảm bảo Mỹ sẽ có phản ứng nhanh khi bất cứ kịch bản nào xảy ra.

Các quan chức cấp cao cho biết, nỗ lực này không chỉ giúp họ lường trước những diễn biến phức tạp có thể xảy ra mà còn thúc đẩy họ sớm thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ.

"Hy vọng của chúng tôi là sẽ còn một con đường ngoại giao để tránh những kịch bản này để chúng tôi sẽ không bao giờ phải sử dụng những chiến lược vạch ra. Tuy nhiên, nỗ lực này nhằm đảm bảo chúng tôi sẵn sàng hành động khi tình huống buộc phải như vậy", Jonathan Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, cho biết.

Nhóm Tiger bao gồm một đội ngũ các chuyên gia có nhiệm vụ lên kế hoạch đối phó với các vấn đề cụ thể. Nhóm được thành lập sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) tháng 10/2021, sau khi cơ quan này phát hiện các dấu hiệu cho thấy Nga dường như đang đưa quân tới gần biên giới Ukraine.

Dù NSC thừa nhận họ không thể dự đoán chính xác quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng các cuộc diễn tập trước và các kế hoạch được vạch ra trong chính phủ Mỹ vẫn có ích.

"Trên thực tế, người Nga có thể không làm những điều giống 100% với kịch bản dự báo. Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn có ích trong việc giảm thời gian chúng tôi cần để phản ứng một cách hiệu quả trước các diễn biến. Đây mới là mục tiêu chính", ông Finer nói.

Theo giới quan sát, căng thẳng Ukraine - Nga là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt kể từ khi rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ lên Mỹ liên quan tới cách mà họ sẽ phản ứng với các tình huống.

Nga dù nhiều lần bác bỏ họ có kế hoạch điều quân để "động binh" với Ukraine, nhưng Mỹ dường như muốn chắc chắn họ không tỏ ra bị động trước các tình huống.

Chính quyền Mỹ hiện đang tiếp cận cuộc khủng hoảng theo 2 hướng vừa ngoại giao, vừa răn đe. Và đằng sau hậu trường là việc lập kế hoạch và lập chiến lược riêng của Nhóm Tiger để đảm bảo rằng không chỉ Nhà Trắng mà tất cả các cơ quan cần ứng phó với những tình huống có thể diễn ra.

Vạch ra mọi kịch bản

Người tập hợp Nhóm Tiger là Alex Bick, giám đốc kế hoạch chiến lược của NSC. Ông Bick đã huy động một đội ngũ quan chức từ các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, Tài chính, An ninh Nội địa, cũng như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), vào nhóm.

Cộng đồng tình báo cũng tham gia, đưa ra nhiều phương án khác nhau mà người Nga có thể thực hiện cũng như rủi ro và lợi thế của kịch bản.

"Bạn không cần phải biết trước chính xác họ sẽ làm gì. Bạn chọn một loạt các kịch bản và lập kế hoạch chống lại chúng, với giả định rằng bất cứ tình huống nào trong số đó đều có thể xảy ra", một quan chức giấu tên của NSC cho biết.

Các chiến lược không chỉ dừng lại ở kịch bản xung đột trên chiến trường, mà còn hướng tới những câu hỏi khác, như Mỹ sẽ ứng phó ra sao với làn sóng người tị nạn Ukraine tới Ba Lan và Romania khi căng thẳng bùng phát, làm sao để đảm bảo an ninh của cơ quan ngoại giao Mỹ, lệnh trừng phạt nào mà Washington có thể sẽ áp lên Nga…

"Nhìn chung, bạn phải lên kế hoạch cho tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra rồi dần hạ cấp xuống. Điều này tốt hơn là lên kế hoạch cho một kịch bản trung bình rồi bị lúng túng", một quan chức NSC cho biết.

Trong khi cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan hồi năm ngoái đã khiến nhiều đồng minh không hài lòng, thì lần này, họ dường như trở nên đoàn kết hơn.

"Chúng tôi chia sẻ hàng loạt thông tin để đảm bảo mọi người đều nắm được phán đoán của chúng tôi", ông Finer nói.

Ông Bick và đồng sự cũng chuẩn bị cho các sự kiện "Thiên nga đen", ám chỉ những kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng có thể gây ra tác động tới cách mà chính quyền Mỹ phản ứng. Các quan chức không lấy ví dụ về sự kiện này, nhưng theo Washington Post, nó có thể là sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới hay xung đột diễn ra song song với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngoài công tác chuẩn bị tại Nhà Trắng, các cơ quan khác cũng tự lên kế hoạch hành động của riêng họ. Bộ Tài chính vạch ra các gói trừng phạt tiềm năng, Lầu Năm Góc lên kế hoạch triển khai thêm quân tới khu vực cần thiết…

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/ben-trong-nha-trang-nhung-ngay-khung-hoang-ukraine-cang-nhu-day-dan-20220217152333125.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/ben-trong-nha-trang-nhung-ngay-khung-hoang-ukraine-cang-nhu-day-dan-20220217152333125.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bên trong Nhà Trắng những ngày khủng hoảng Ukraine "căng như dây đàn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO