Bữa sáng bên lề Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng nhóm Ngũ cường - Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Malaysia, ngày 11/6. (Nguồn: MINDEF) |
Đây là các thành viên của Hiệp ước quốc phòng “Ngũ cường” (FPDA) được thành lập từ năm 1971. FPDA cho phép 5 quốc gia thành viên tham khảo ý kiến lẫn nhau để đưa ra biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang hoặc có mối đe dọa tấn công vũ trang nhằm vào bất kỳ nước thành viên nào.
Trong bữa sáng chung của Nhóm tại khách sạn Shangri-La có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Eun Eng Heng; Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussain; Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles; Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Pini Henare; Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen. Các đại biểu thảo luận về cách thức trao đổi hợp tác theo khuôn khổ Hiệp ước FPDA.
Khi được phóng viên hỏi làm thế nào FPDA phù hợp với các cấu trúc khu vực mới như Đối thoại Bộ tứ Quad và Liên minh AUKUS, Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết: “AUKUS và Quad có vai trò riêng và chúng tôi chắc chắn cũng cam kết với kiến trúc này, nhưng thứ gì đó bền bỉ như FPDA thực sự có giá trị đối với Australia”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Mỹ, FPDA có tầm quan trọng lớn như một biện pháp răn đe, giúp các nước tránh được những “sự cố không lường trước được”.
Ông Hishamuddin Hussain nói: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là những sự cố và tai nạn ngoài ý muốn, khiến căng thẳng vượt tầm kiểm soát và trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu những thỏa thuận, chẳng hạn như FPDA không tồn tại, sẽ không có bất cứ cơ hội nào để kiềm chế các sự cố đó”.
Được thành lập vào năm 1971, FPDA là một loạt các thỏa thuận quốc phòng đa phương được 5 thành viên của Khối thịnh vượng chung ký kết nhằm cung cấp khả năng phòng thủ bên ngoài của Singapore và Malaysia, trong bối cảnh quân đội Anh rút khỏi khu vực và các cuộc xung đột vũ trang ở Đông Nam châu Á. FPDA được coi là liên minh quốc phòng lâu đời thứ hai trên thế giới sau NATO.