Vắng bóng dược sĩ đứng quầy
Là dược sĩ chính của một nhà thuốc trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), công việc trước đây của chị Vũ Thị Bích Nguyệt chỉ là tư vấn đơn thuốc, thế nhưng, nhiều tháng nay chị đã phải làm hết mọi việc từ tư vấn, lấy thuốc, ghi hướng dẫn, thanh toán hoá đơn...
"Nhà thuốc đã thông báo tuyển người từ 4-5 tháng nay nhưng vẫn không có nhân viên. Mà nhân viên có kinh nghiệm thì càng khó tuyển", nữ dược sĩ thở dài.
Tại một nhà thuốc khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, vị trí cho 3 dược sĩ tại quầy trước đây giờ chỉ còn một mình chị Lan Anh (28 tuổi).
Theo đại diện nhiều nhà thuốc chia sẻ, hiện rất khó để tìm được nhân sự chất lượng, đồng ý cam kết gắn bó thời gian dài.
Dược sĩ Vũ Đình Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bán thuốc là một nghề đặc thù, không giống như mặt hàng khác, buộc cần phải có kiến thức vững vàng mới đảm bảo được an toàn cho tính mạng của người dân.
Đại diện Hội nhà thuốc Hà Nội nhận định, có rất nhiều nguyên nhân cho tình trạng thiếu dược sĩ đứng quầy, nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt dược sĩ tại Hà Nội đó là vì sự chuyển dịch nguồn nhân sự.
Bà Lê Thị Minh Chính, Chủ tịch Hội nhà thuốc Hà Nội, lý giải: "Sau hai năm dịch bệnh, nhiều bạn về địa phương mở nhà thuốc cũng không quay lại nữa. Hiện tại, theo thống kê trên cả nước có tới 60.000 nhà thuốc, thu hút lượng nhân sự rất lớn. Nguyện vọng của các nhà thuốc là mong muốn có nguồn nhân lực ổn định".
Chú trọng trong quy trình đào tạo
PGS.TS Phạm Trung Kiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm, hiện nay, không riêng dược sĩ mà bác sĩ và điều dưỡng đang thiếu rất nhiều.
"Ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, các trường phải quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình. Chương trình đào tạo phải có nội dung về công việc, vị trí việc làm, đáp ứng được chuẩn đầu ra", Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.
Theo dự báo, trong 5 năm tới, thị trường việc làm vẫn có thể thiếu hụt hàng nghìn dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc và tham gia sản xuất và phân phối thuốc. Sự thiếu hụt này, cũng được xem là cơ hội việc làm cho các dược sĩ trẻ có năng lực và được đào tạo bài bản.