Ngày 4/1, bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi 13 tuổi được chuyển từ Đồng Tháp vào đêm 30/12/2021. Chẩn đoán trước đó, em mắc sốt xuất huyết, nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa dưới.
Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày, không ói, không ho, ăn kém, tiểu tiện bình thường. Đến ngày thứ 4, em đau bụng âm ỉ kèm với đi tiêu có máu đỏ tươi. Khi nhập viện, em lừ đừ, tiếp xúc chậm, môi tái.
Bệnh nhi 13 tuổi phải truyền 2 lít chế phẩm máu. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP chẩn đoán em bị sốc mất máu, xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, sốt xuất huyết nặng trên nền dư cân. Thông thường, trẻ ở độ tuổi này chỉ nặng 34-40kg, còn em nặng 65kg.
Bệnh nhi vẫn tiếp tục đi tiêu phân máu ồ ạt liên tục. Nhận xét khả năng đang chảy máu đường tiêu hoá tiếp diễn, em nhanh chóng được chống sốc, truyền máu, tiểu cầu, ổn định đông cầm máu và đưa ngay lên bàn mổ nội soi cấp cứu.
“Một động mạch ruột ở ổ loét đoạn tá tràng gần dạ dày phun máu liên tục đã kịp thời được khâu cầm máu. Bé được cứu sống trong gang tấc”, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện mặt sau tá tràng có ổ loét kích thước 2x3cm và tiến hành khâu cầm máu ổ loét. Sau đó, tình trạng tiêu phân máu đã được giải quyết. Em được tiếp tục điều trị tại khoa hồi sức ngoại. Bệnh nhi đã phải truyền hơn 2 lít chế phẩm máu bồi hoàn từ tỉnh nhà Đồng Tháp lên đến TP.HCM.
Lòng bàn tay bàn chân trắng toát dù bồi hoàn máu liên tục. Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, loét dạ dày tá tràng là tình trạng chảy máu chủ yếu do loét vào mạch máu. Các ổ loét non thường gây chảy máu mao mạch, nên số lượng thường ít và tự cầm. Các ổ loét sâu nhất là trong loét xơ chai, loét vào các động mạch và khả năng co mạch bị hạn chế, nên thường chảy máu ồ ạt và khó cầm.
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu: li bì, khó đánh thức, kích thích, vật vã, da xanh nhiều, môi nhợt, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đại tiện.
Nếu trẻ đang theo dõi mắc sốt xuất huyết, phụ huynh báo ngay cho bác sĩ biết về tiền căn trẻ hoặc gia đình viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, cần tái khám sát ngày và tái khám ngay nếu có bất kì dấu hiệu xuất huyết hoặc dấu hiệu nặng nêu trên.
Linh Giao