Bé trai rơi xuống trụ bê tông: Tai nạn đau lòng và lời nhắc nhở day dứt

05/01/2023 12:00

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, tôi nhìn mái nhà xiêu vẹo và chật hẹp của gia đình bé Hạo Nam mà rưng rưng như thấy lại tuổi thơ nghèo khó của mình.

Mấy ngày nay, việc bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp không may rơi vào trụ bê tông khi đi nhặt phế liệu ở công trường xây dựng được người dân cả nước quan tâm. Cùng với sự hồi hộp, lo lắng dõi theo tiến trình cứu hộ, mọi người không khỏi xót xa khi chứng kiến gia cảnh khó khăn và hình dung tuổi thơ vất vả của em.

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, tôi nhìn mái nhà xiêu vẹo và chật hẹp của gia đình bé Hạo Nam mà rưng rưng như thấy lại tuổi thơ nghèo khó của mình. Ba má tôi không có một cục đất chọi chim, chỉ toàn làm thuê làm mướn kiếm sống, nhưng lại sinh tới 10 đứa con vừa trai vừa gái.

Thật ra, vào những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước, những nhà đông con như gia đình tôi nhiều lắm. Người ta quan niệm trời cho bao nhiêu con thì cứ nhận lấy hết, bỏ đi sẽ mang tội. Lại thêm, quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" ăn sâu vào tiềm thức, nên các bậc phụ huynh cứ mặc sức sinh, còn chuyện nuôi dưỡng tính sau.

Bé trai rơi xuống trụ bê tông: Tai nạn đau lòng và lời nhắc nhở day dứt - 1

Căn nhà nhỏ lụp xụp của gia đình cháu Hạo Nam ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Cao Bách).

Vì đông con, nên cái ăn cái mặc là vấn đề hàng đầu của nhà tôi và bao gia đình khác ở vùng quê. Muốn không bị đói, mấy anh chị tôi phải nghỉ học từ sớm, vừa biết làm lụng là lập tức đi làm thuê làm mướn. Người mót lúa, người làm cỏ mướn, cắt lúa mướn, xịt sâu, sạ phân, đắp bờ… Ai thuê mướn việc gì anh chị tôi cũng làm. Những lúc nông nhàn thì anh chị ra đồng bắt cua bắt cá, chẳng ngày nào nghỉ ngơi.

Khi tôi học hết lớp 5, nghĩa là mới 11 tuổi, má tôi đã kêu mấy chị dạy tôi cách làm cỏ trên ruộng, sau đó đi làm mướn cho người ta mỗi ngày 8 tiếng, tiền công 12 ngàn đồng một ngày. Lớn hơn chút nữa, khoảng 15 tuổi, tôi đã bơi xuồng lên tận biên giới nhấp ếch trong mùa nước nổi. Một mình tôi lênh đênh trên nước gần nửa tháng trời, mọi chuyện ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc đều trên chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu đó.

Không riêng gì anh chị em tôi, tất cả những đứa trẻ trong xóm đều phải làm lụng như thế. Và dĩ nhiên rủi ro luôn tiềm ẩn, nhất là khi chúng tôi lênh đênh trên sông nước hoặc làm việc liên quan đến máy móc cơ giới. Thực tế đã có những trường hợp gặp tai nạn thương tâm, thậm chí không bảo toàn được tính mạng. Những khi như vậy, anh chị lại dặn dò tôi cẩn thận nhưng một thời gian khi mọi thứ lắng lại, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc như trước. Thời đó, các bà mẹ thường khoe với nhau về đứa con của mình biết làm lụng giỏi, chớ ít khi tự hào về chuyện học hành của chúng.

Xã hội ngày càng phát triển, chuyện đói kém giờ đã trở thành hiếm thấy, nhưng các hộ nghèo, hộ khó khăn thì còn khá nhiều. Bởi vậy, hình ảnh những đứa trẻ phải đi bán vé số dạo, đi nhặt ve chai, phụ giúp bố mẹ việc đồng áng… dù đã ít hơn trước song thực tế vẫn dễ dàng gặp hàng ngày ở miền Tây.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh tuy không bắt con em mình ra đường mưu sinh, nhưng vì bận việc nên họ không có thời gian trông giữ, bảo ban trẻ. Lại có không ít bố mẹ lên thành phố làm công nhân, đành gửi con cho ông bà. Trong hoàn cảnh đó, các em nhỏ phải tự chơi một mình hoặc chơi theo nhóm bạn cùng trang lứa mà thiếu sự quan tâm, sâu sát của người lớn.

Bối cảnh trên là một phần lý do dẫn đến những vụ trẻ đuối nước, trẻ bị xâm hại, bị tai nạn… mà báo chí vẫn thường phản ánh.

Bé trai rơi xuống trụ bê tông: Tai nạn đau lòng và lời nhắc nhở day dứt - 2

Hiện trường cứu hộ cháu bé rơi xuống trụ bê tông sâu 35m (Ảnh: Nguyễn Hành - Hải Long)

Trở lại diễn biến cứu hộ bé Hạo Nam, tối qua 4/1, trả lời báo chí tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay bé bị kẹt trong thời gian dài qua 4 ngày, bị thiếu khí, chấn thương nên không qua khỏi. Các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực đưa cọc bê tông lên mặt đất trong thời gian sớm nhất, để bàn giao thi thể bé cho gia đình lo hậu sự.

Thông tin thật đau lòng! Phép màu mà mọi người chờ đợi đã không đến. Đây một lần nữa là lời nhắc nhở day dứt không chỉ về công tác đảm bảo an toàn ở các công trường xây dựng, mà trước hết là lời nhắc nhở chúng ta về sự quan tâm hơn nữa đến các em nhỏ để phòng tránh những rủi ro không đáng có. Thiết nghĩ, các tổ chức, đoàn thể lâu nay đã nỗ lực rồi, cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường những lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em và phụ huynh.

Giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em. Sau vụ bé Hạo Nam, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm và rút ra những bài học. Điều mong mỏi lớn nhất là chúng ta sẽ không bao giờ phải đau lòng vì một sự việc như vậy nữa.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bé trai rơi xuống trụ bê tông: Tai nạn đau lòng và lời nhắc nhở day dứt
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO