Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian

07/01/2023 12:15

Tối 4/1, người cha vô định cất bước rời khỏi hiện trường. Không có phép màu nào đến với con trai anh. Chiến dịch gần 5 ngày đêm tìm kiếm bé trai 10 tuổi rơi xuống hố bê tông ở Đồng Tháp đã kết thúc.

Người mẹ cứ ngồi đó mãi, chẳng buồn lau nước mắt. Hình ảnh đó xuất hiện trong căn nhà của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (33 tuổi), mẹ bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi), sau khi hay tin con trai mình không còn.

"Tôi vẫn đợi con về nhà. Nó không ở với tôi thì làm con người khác...", mẹ bé Nam nghẹn ngào cất lời.

***

Hố cọc được khoan cắm sâu thẳng xuống lòng đất dài 35m, tương đương với tòa nhà 9-10 tầng. Miệng ống rộng 25cm, bằng xấp xỉ một gang tay người đàn ông trưởng thành. Đó là không gian nơi bé trai 10 tuổi mắc kẹt.

Khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, được nghỉ học dịp Tết Dương lịch, Hạo Nam cùng 3 người bạn chung xóm đi vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, để nhặt phế liệu.

Dường như ánh mắt những đứa trẻ chỉ tập trung vào những mảnh kim loại, chai nhựa… và bất kỳ thứ gì có thể bán kiếm tiền. Trong lúc đó, bé Hạo Nam lơ đễnh hụt chân lọt xuống hố.

Theo , nền đất ở công trường tơi xốp, lồi lõm, nhiều miệng hố. Miệng hố đã không được che đậy dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra. Hơn 100 giờ sau đó, cuộc tìm kiếm bé trai 10 tuổi diễn ra không ngừng nghỉ.

Phút cuối

Ba ơi cứu con!

Tiếng của Hạo Nam yếu ớt cất gọi cha từ lòng hố. Đó cũng chính là lời cuối cùng mà anh Thái Văn Tấn Tài nghe được từ cậu con trai.

Tiếng kêu cứu trong vô vọng

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 1

Người cha với dáng hình khắc khổ kể lại những giây phút cuối cùng ở hiện trường với con trai (Ảnh: Hải Long).

"Nam vừa rơi, tụi con chạy ngay về nhà tìm chú Tài liền", hai cậu bé ở sát nhà Nam thuật lại với phóng viên Dân trí.

Trên đường chạy về, tụi trẻ tìm và kêu cứu với các công nhân trong công trình đang ở ven sông. Người dân có mặt tại hiện trường cho biết, các công nhân đã thả dây xuống hố để Nam có thể nắm lấy cho người lớn kéo lên.

"Anh Cu (tên gọi ở nhà của Hạo Nam) lọt xuống hố rồi", cậu bé hàng xóm kể hớt hải vừa chạy về đến nhà anh Thái Văn Tấn Tài đã hét lên.

Người cha vội chạy ra bãi đất công trình và được các công nhân cho hay, họ đã kéo Nam lên được một đoạn khoảng 1m nhưng không thành.

"Cu ơi, con nắm cọng dây ba lôi con lên", anh Tài đã liên tục hét vọng xuống dưới hố.

Sau vài tiếng la không thành câu, rõ tiếng của con trai trong khoảng 10 phút là một tiếng "tõm" rơi xuống nước vọng lên, từ khoảnh khắc đó anh Tài mất hút tiếng con. Và không còn tín hiệu phản ứng nào của bé trai được lực lượng cứu hộ ghi nhận.

Quãng đường từ hiện trường về nhà anh Tài dài 1km, tương ứng hơn 10 phút đi bộ theo định vị của bản đồ trực tuyến. Nửa quãng đường đó là đất đá nham nhở. Như vậy, một đứa trẻ khoảng 10 tuổi có thể mất ít nhất 5 phút để chạy về.

Tính thêm thời gian người cha từ nhà chạy ra hiện trường, vậy là đã mất hơn 10 phút bé Hạo Nam mới nghe được giọng cha từ khi rơi xuống miệng hố. Đến khi hoàn toàn mất tín hiệu của bé trai, tổng cộng gần 30 phút.

"Sợi dây không động đậy gì, la một hồi nó rơi xuống, rồi không nghe nó nữa…", anh Tài nghẹn kể lại trong nước mắt, liên tục tự trách bản thân đã không dành nhiều thời gian hơn cho con trai.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 2

Anh Thái Văn Tấn Tài thường xuyên có mặt tại hiện trường để chờ tin con.

"Không phải do nó ham chơi"

Ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình là địa phương có đa phần cư dân làm nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê. Cha mẹ nạn nhân là anh Thái Văn Tấn Tài và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, quanh năm sinh sống bằng nghề làm mướn trong vùng.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 3

Ngôi nhà của 4 người gia đình bé trai.

Chung sống với nhau 12 năm, vợ chồng họ có với nhau bé trai Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012) và bé gái hơn một tuổi, trong căn nhà căn nhà chưa đầy 50m2 được quây đắp từ ván gỗ, mảnh tôn.

Chị Linh mô tả con trai lớn có thân hình khá nhỏ, 10 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20kg. Bé ngoan, học khá và luôn giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Mỗi buổi sáng trước khi đến trường, Nam hay ra chợ mua đồ ăn sáng cho ba mẹ và em gái.

"Từ ngày nhỏ Út (chị Mỹ Linh) có thêm em bé, gánh nặng thu nhập đặt lên vai anh Tài. Mẹ tụi nhỏ ở nhà trông con. Cháu tôi (Nam) nó lanh lắm, có ý thức tự lập, luôn muốn kiếm cách có thêm tiền để phụ giúp gia đình chứ không phải ham chơi, nên mới dẫn đến cơ sự này", dì Năm, chị gái ruột của mẹ bé Nam từ An Giang đến chăm sóc gia đình em gái mấy ngày này, chia sẻ với Dân trí.

"Nó đi nhặt sắt với mủ (đồ nhựa) để bán kiếm tiền. Nghĩ công trường có nhiều mấy thứ đó nên nó vào tìm. Lần trước nó mang về hơn 20.000 đồng, người ta còn thiếu nó mấy đồng chưa kịp trả...", chị Linh nghẹn lại.

Nghẹn ngào lời kể của người mẹ sau khi bé trai 10 tuổi tử vong

Theo ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lợi, tính đến năm 2023, xã có khoảng 40 hộ nghèo. Gia đình bé Hạo Nam khó khăn nhưng không nằm trong diện nghèo hay cận nghèo. Vợ chồng anh Tài đang độ tuổi lao động và có việc làm, có thu nhập đỡ hơn nhiều hộ khác nên Nam vẫn được đến trường bình thường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong căn nhà lụp xụp của gia đình bé Nam không có nhiều đồ có giá trị.

Nhận thấy gia đình cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có một người trong nhà là lao động chính, con còn nhỏ, ít ruộng đất, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh quân khu 9, khẳng định sẽ cùng tỉnh đội Đồng Tháp lên kế hoạch hỗ trợ một căn nhà để các thành viên trong gia đình có nơi ở ổn định. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh cũng cho biết sẽ giúp vợ chồng anh Thái Văn Tấn Tài tìm việc làm mới để có cuộc sống tốt hơn.

"Tết này bên ngoại đang đợi nhà Nam về. Không ngờ đến giây phút này, cả nhà lại phải trông tin nó", dì Năm của bé Nam bồi hồi.

Hai lần bị đuổi khỏi công trường

Theo nội dung thông tin về sự cố do UBND tỉnh Đồng Tháp cung cấp, lúc 11h30 ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ em 11-12 tuổi lẻn vào công trường, bị bảo vệ phát hiện và yêu cầu rời khỏi đó. Tuy nhiên, đến khoảng 11h50, toàn công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ lại lẻn vào phía mố MA không rõ mục đích.

"Người trông coi công trình đã hai lần phát hiện và đuổi đám trẻ ra khỏi khu đất đang thi công. Sau đó, chúng đã lẻn vào không ai biết", Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo thông tin cho phóng viên Dân trí.

Đến 11h55, bé Thái Lý Hạo Nam đã rơi lọt vào lòng cọc ống D500 tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc là 55cm và đường kính trong cọc 25cm.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngưng làm việc và công nhân đang nghỉ. Trước đó, công trường vẫn hoạt động bình thường theo đúng kế hoạch thi công của dự án.

Mố MA cầu Kênh Rọc Sen thuộc dự án xây dựng tuyến đường tỉnh ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845, dẫn từ xã Phú Lợi sang xã Tân Mỹ cùng huyện Thanh Bình, đã được nhà thầu thi công khoảng 6 tháng, đã hoàn thành đóng âm tổng số 18 cọc bê tông xuống đất vào hôm 28/12/2022.

Vài ngày trước đó, đội thi công bắt đầu chuyển máy móc sang mố cầu bên kia, nhưng chưa lấp đất hay che chắn những trụ bê tông đã cắm xuống. Công trường xung quanh mố cầu được rào chắn bằng dây.

Hiện trường nơi xảy ra sự việc cách khu dân cư khoảng 500m. Xung quanh đó là các đầm, hồ nuôi cá, mương nước, ruộng, bãi đất trống. Con đường chính dẫn vào công trường nơi lực lượng cứu nạn ra vào làm nhiệm vụ, trước khi xảy ra tai nạn thì có rào chắn, biển báo công trình, người trông coi không cho người lạ vào.

Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết những đứa trẻ có thể tiếp cận địa điểm này bằng các lối mòn ven ruộng. Hoặc giờ công trường nghỉ trưa mọi người ngủ hết thì lũ trẻ lẻn vào.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 4

Lối phương tiện ra vào côn trường là dải đất cao (bên trái). Xung quanh là các gờ đất bao quanh các hồ, ruộng nối liền với khu dân cư. Trong ảnh là hiện trường đã được quây tấm chắn để phục vụ công tác tìm kiếm bé trai.

"Mấy chỗ quanh đây tụi nhỏ rành lắm. Bình thường chúng đi học về rồi đi chơi loanh quanh, lâu lắm chúng mới vào lại công trường này. Tranh thủ được dịp nghỉ Tết, mấy đứa rủ nhau vào đó nhặt ve chai để lấy chút tiền xài", P. (hàng xóm, anh trai của một cậu bé đi cùng Nam hôm gặp nạn) nói với phóng viên.

Hơn 100 giờ tìm kiếm

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng xã Phú Lợi và huyện Thanh Bình đã có mặt để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn. Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy từ thành phố Cao Lãnh (cách hiện trường hơn 30km) cũng được điều động và lập tức lên đường, có mặt hiện trường trong vòng nửa giờ để tham gia công tác giải cứu.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 5
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 6
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 7

Tối 31/12/2022, lực lượng chức năng khoảng 100 người cùng 3 máy xúc, một xe cẩu nỗ lực xuyên đêm giải cứu Nam rơi vào trụ mố cầu Rọc Sen.

Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án, như bơm oxy và truyền nước xuống cho nạn nhân nhưng không thể tiếp cận được bé trai. Họ dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc nhưng lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên.

Ngày 1/1/2023, lực lượng cứu hộ tiếp tục cố định các cọc khoan, cắt từng cọc sắt quanh trụ bê tông, kết hợp làm mềm đất, tránh những tác động lớn lên cột bê tông,…

Đến cuối giờ chiều cùng ngày, Trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng Đội công tác chữa cháy (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Tháp), cho biết, quá trình tiếp cận hiện trường gặp khó do ống bê tông quá nhỏ, lực lượng chức năng không thể chui xuống được. Công tác tiếp oxy cho nạn nhân trong suốt quá trình cứu hộ đã được thực hiện.

Sau khi họp bàn, lực lượng chức năng thống nhất sử dụng phương án khoan cọc xung quanh cột bê tông để tiếp cận nạn nhân.

Ngày 2/1, hơn 200 người gồm công nhân, lực lượng chức năng, quân đội gấp rút "chạy đua với thời gian" huy động nhiều máy móc, thiết bị, thực hiện nhiều giải pháp để cứu bé trai lọt trong trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất 35m, song chưa có kết quả.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 8
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 9

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 10
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 11

Ngày 3/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đào Tấn Bửu chia sẻ với báo chí về biện pháp giải cứu bé trai. Ông Bửu cho biết, việc sử dụng ống thép có đường kính 1,5m bao quanh trụ bê tông đã nằm trong phương án xử lý ban đầu.

Vẫn theo lời ông Bửu, sau khi trụ bê tông được kéo lên khỏi mặt đất, lực lượng chức năng sẽ dùng thiết bị dò xét xem nạn nhân nằm ở vị trí nào, sau đó cưa cắt, đưa nạn nhân ra khỏi trụ bê tông. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt và an toàn hơn, nhóm kỹ thuật đặt thêm ống thép bao quanh trụ bê tông.

"Mặc dù có lúng túng, bất ngờ, nhưng các đơn vị thi công, cứu hộ đã tìm mọi cách tiếp cận bé trai trong thời gian sớm nhất", ông Bửu thẳng thắn nói.

Ông Bửu chia sẻ, phương pháp cứu hộ cháu trai lọt vào trụ bê tông là phương pháp thực hiện lần đầu tiên tại Đồng Tháp và của đơn vị thi công. Đây là biện pháp mà nhóm kỹ thuật cho rằng tốt nhất để cứu bé trai.

Bé trai mắc kẹt thời gian dài, thiếu khí, chấn thương nên không qua khỏi.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Sáng 4/1, ông Bửu khẳng định các tổ công tác đang tập trung làm việc hết công suất để đưa trụ bê tông lên khỏi mặt đất. Lúc này sẽ thăm dò, cưa cắt bê tông, đưa bé trai ra khỏi trụ.

Song, đến 18h30 cùng ngày, phép màu đã không xảy ra.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong suốt buổi chiều 4/1, các đơn vị cứu hộ đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp cứu nạn liên tục. Các lực lượng đang thực hiện các biện pháp để đưa cọc lên mặt đất trong thời gian sớm nhất, để bàn giao thi thể bé cho gia đình lo hậu sự.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 12

Xuyên đêm tìm kiếm bé trai dưới ống bê tông 35m.

Thời gian cứu hộ bị kéo dài

6 ngày trôi qua, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều phương án để tìm kiếm và đưa bé 10 tuổi lên mặt đất.

Lãnh đạo địa phương đánh giá đây là sự cố hy hữu, do nhân lực có mặt tại hiện trường thiếu kinh nghiệm nên việc giải cứu lúc đầu chỉ dừng lại ở bơm oxy xuống hố, mượn camera dò tìm nạn nhân và đợi đơn vị cứu nạn chuyên nghiệp tiếp cận.

Theo ghi nhận của Dân trí, hiện trường nơi xảy ra sự việc cách đường dân sinh khoảng 500m (đường ven kênh An Phong - Mỹ Hòa, ấp 2, xã Phú Lợi). Con đường vào hiện trường, ô tô lớn nhất lọt vừa là loại xe tải 1T65 có chiều rộng hơn 1,8m.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 13
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 14

Con đường chính dẫn vào nơi xảy ra vụ việc toàn đất đá nham nhở, độ rộng mặt đường hẹp và bên bồi bên lở có nguy cơ sụt lún nếu phương tiện trọng tải nặng đi qua, khiến xe chuyên dụng không thể tiếp cận.

Vì thế, các thiết bị chuyên dụng được vận chuyển thay thế bằng nhân lực khiêng vác, xe máy, ghe ven mương. Thêm vào đó, tại là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng phải phát quang cỏ cây hai bên mới có không gian cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện. Do đó, công đoạn di chuyển bị kéo dài thời gian.

Có mặt tại nơi bé trai 10 tuổi lọt xuống hố sâu, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều - Phó Tư lệnh Quân khu 9 - đã khảo sát, kiểm tra công tác cứu hộ, đồng thời đánh giá hiện trường có địa hình phức tạp nên buộc phải huy động nhiều lực lượng và thiết bị chuyên dụng.

Tướng Triều cho biết, sau khi nhận thông tin bé trai bị rơi xuống hố, quân khu đã chỉ đạo cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp sử dụng lực lượng tại chỗ gồm bộ đội và dân quân tự vệ hỗ trợ tức thì.

Đồng thời, đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng công binh quân khu sử dụng nhân lực và phương tiện cứu hộ cứu nạn, gồm xe cứu hộ cứu nạn đa năng, thiết bị cắt bê tông chuyên dụng kịp thời đến hiện trường để tham gia hỗ trợ cùng lực lượng địa phương.

Trong quá trình thực hiện giải cứu bé trai 10 tuổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho rằng, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, do thiết bị, máy móc chuyển từ nơi khác đến; phần đất sâu sét, cứng… dẫn đến thời gian giải cứu bé trai bị kéo dài.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cũng đánh giá yếu tố cản trở là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, về thiết bị điều động từ nơi xa đến nên mọi thứ không chủ động được.

Trả lời báo chí về việc khởi tố vụ án hay không, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: "Hiện tập trung vào công tác cứu hộ. Khi hoàn thành hết phần việc này thì cơ quan chức năng sẽ điều tra, phân rõ trách nhiệm".

Nhìn lại sau hơn 100 giờ giải cứu bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp.

Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian - 15

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 dự án Xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 với hạng mục thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước dài hơn 4km.

Dự án do nhóm 3 doanh nghiệp thực hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư công trình, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công, xây dựng.

Về trách nhiệm của nhà thầu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho hay xung quanh công trường có rào dây, cắm biển báo, camera giám sát song đơn vị sẽ chấn chỉnh, đảm bảo an toàn khi thi công.

"Sau khi hoàn tất cứu hộ, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, sẽ xử lý sai phạm nếu có", ông Bảo nói.

Nội dung: Tâm Linh

Ảnh: Hải Long, Nguyễn Hành

Video: Cao Bách

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bé trai 10 tuổi Đồng Tháp và cuộc giải cứu chạy đua thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO