Với mong muốn con có một xuất phát điểm tốt nên ngay từ khi mang thai, Tiểu Xuân đã tích cực ăn uống, mong rằng sinh con ra khỏe mạnh, thông minh. Trong suy nghĩ của gia đình cô, sinh một em bé mập mạp, trắng trẻo là một điều rất tốt. Trước khi mang thai, Tiểu Xuân có thân hình cân đối, gọn gàng. Nhưng từ khi có bầu, cô được mẹ chồng "tẩm bổ" súp gà, súp sườn heo, súp chim bồ câu và nhiều món bổ dưỡng khác. Cô cũng không từ chối và ăn rất ngon miệng. Thế nên cho đến cuối thai kỳ, cô đã nặng đến 90kg.
Tiểu Xuân sinh thường và hạ sinh một em bé nặng 4,7kg. Các bác sĩ và y tá khá ngạc nhiên vì chưa được chứng kiến một ca sinh thường mà em bé có cân nặng lớn đến vậy. Gia đình Tiểu Xuân hiển nhiên rất vui mừng, đặc biệt là mẹ chồng. Bà rất yêu quý cháu trai và giành chăm sóc cháu suốt ngày. Tuy nhiên 3 ngày sau, khi chuẩn bị xuất viện, mẹ chồng của Tiểu Xuân chợt nghĩ ra điều gì đó không ổn. Xem xét lại thì bà nhớ ra rằng hình như từ khi sinh ra đến giờ, cháu trai mình chưa hề mở mắt.
Gia đình vội vàng bế con đi gặp bác sĩ vì quá lo lắng. Sau khi nghe câu hỏi của họ, bác sĩ tươi cười giải thích: "Đừng lo lắng, đứa bé béo quá nên từ từ mới mở mắt được. Gia đình cứ yên tâm". Nghe được lời giải thích này, gia đình Tiểu Xuân phá lên cười. Sau vài ngày, mắt cháu bé từ từ mở ra, cả nhà đều cảm thấy nhẹ nhõm.
Khi câu chuyện của gia đình Tiểu Xuân được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người bình luận rằng thật khó tin có câu chuyện như thế này. Nhiều người khác thì khâm phục Tiểu Xuân có thể sinh thường một em bé nặng cân như thế.
Tuy nhiên thực tế bác sĩ sản khoa sẽ khuyến cáo trong thời gian mang thai mẹ bầu không nên tăng cân quá nhiều, dẫn đến thai nhi lớn, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở. Suy cho cùng, nếu bé quá béo cũng sẽ mang lại áp lực cho bé, sẽ có gánh nặng cho cơ thể, sức đề kháng cũng bị ảnh hưởng.
Bà bầu nên chú ý một số điều để kiểm soát cân nặng khi mang thai
1. Thực hiện chế độ ăn khoa học, cân bằng dinh dưỡng
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thực hiện chế độ ăn đủ chất, cân bằng dinh dưỡng thay vì ăn nhiều, ăn vô độ theo ý thích. Chú ý tránh các đồ ăn cay nóng, đồ muối chua, đồ chiên rán vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
2. Tập luyện điều độ, vừa sức
Khi mang thai, bạn có thể tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như cử động chân tay, đi dạo, yoga. Các bài tập này đều có thể đóng vai trò rèn luyện cơ thể, vận động vừa phải cũng có thể giúp mẹ bầu diễn ra suôn sẻ hơn trong quá trình sinh nở.
3. Khám thai
Khám thai thường xuyên cũng rất quan trọng, vì khám thai có thể biết được thể trạng của người mẹ và tình trạng dinh dưỡng của em bé trong bụng để có sự điều chỉnh hợp lý. Khám sản có rất nhiều lợi ích nên chúng ta phải đến bệnh viện khám sản đúng thời điểm.
Nhìn chung trong tư tưởng của thế hệ cũ, họ thích những đứa trẻ sinh ra đã mũm mĩm. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của mỗi bà mẹ chúng ta là sinh ra con khỏe mạnh, chứ không phải càng béo càng tốt, nên bà bầu cần kiểm soát cân nặng của bản thân và thai nhi từ lúc mang thai.
Theo Emdep.vn