BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhi 14 tuổi, quê Tiền Giang mắc COVID-19 có bệnh nền tiểu đường.
Người nhà bệnh nhi cho biết bé được phát hiện đái tháo đường hồi tháng 11/2020, được điều trị insulin tiêm dưới da, tái khám định kỳ tại bệnh viện địa phương.
Khi mắc COVID-19, bé sốt cao, ói, không ho, không tiêu lỏng, ăn uống ít. Ngày thứ ba nhiễm bệnh, bệnh nhi lơ mơ, nói sảng, rên la. Bé được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, lơ mơ, xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 dương tính.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi hôn mê nhiễm toan ceton - biến chứng cấp tính, nặng của đái tháo đường do đường huyết tăng cao quá mức sản sinh nhiều axit trong máu (được gọi là ceton), nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, dịch truyền chống sốc, thuốc vận mạch, kháng sinh… Do tình trạng không cải thiện, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Tiến cho biết khi chuyển đến khoa Cấp cứu, bệnh nhi hôn mê, thở qua nội khí quản máy thở, mạch nhẹ, chi mát, huyết áp tút, dấu mất nước môi khô mắt trũng, dấu véo da mất chậm. Xét nghiệm ghi nhận được huyết tăng cao hơn 4-5 lần bình thường, phản ứng viêm tăng cao, tổn thương thận, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.
Các bác sĩ xử trí bù dịch chống sốc, truyền thuốc vận mạch kết hợp thở máy, truyền insulin, kháng virus, kháng viêm, kháng đông kháng sinh.
Sau một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, tỉnh táo, cai được máy thở, thở khi trời, hết toan, đường huyết ổn định.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết trước đó, Khoa Khoa Thận Nội tiết này cũng tiếp nhận bệnh nhi hai tuổi mắc hôn mê toan ceton - đái tháo đường, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, mắc COVID-19 ngày thứ hai.
Theo bác sĩ Tiến, khi Covid-19 xuất hiện, số trẻ phát hiện bệnh đái tháo đường, bệnh chuyển nặng tăng cao. Một nghiên cứu ghi nhận từ tháng 3 đến tháng 5/2020, 532 trẻ em ở Đức được chẩn đoán với đái tháo đường type 1, với 45% biểu hiện hôn mê nhiễm toan cetone, cao gần gấp đôi so với năm trước (24,5%).
Tại Vương quốc Anh, các nhà điều tra báo cáo số trường hợp trẻ đái tháo đường type 1 năm 2020-2021, tăng 80% so với những năm trước.
Theo các chuyên gia y tế hiện tượng này, có thể là nhiều yếu tố và liên quan đến chăm sóc y tế chậm trễ, tác động của nhiễm SARS-CoV-2 hay mắc bệnh COVID-19. Thụ thể ACE2 có mặt ở nhiều cơ quan như đường hô hấp, phổi, tim gan thận… bao gồm cả cơ quan ngoại tiết và các mô nội tiết của tuyến tụy.
SARS-CoV-2 liên kết với các thụ thể ACE2 cho phép virus xâm nhập và làm hỏng các tiểu đảo của tuyến tụy, dẫn đến bệnh đái tháo đường cấp tính và có thể kích hoạt nhiễm toan ceton.
Bác sĩ Tiến lưu ý, các phụ huynh khi con em mình sốt, ói, ăn nhiều uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân,…hãy đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám và định bệnh chính xác từ đó có phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.