Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, ngày 22/12 mới đây đã tiếp nhận và điều trị ca nhập viện là bé K.A. (5 tuổi) từ tỉnh xa Sóc Trăng chuyển viện lên Sài Gòn điều trị sau hơn 2 tháng ăn uống kém, sụt cân, xanh xao, buồn nôn và tiêu lỏng kéo dài điều trị phòng khám tư mãi không dứt bệnh. Hoàn cảnh của bé có cha mẹ ly hôn, sống với ông bà ngoại, mẹ đi làm xa.
Bệnh viện địa phương sau khi khám, xét nghiệm chụp chiếu nghi ngờ một thể tắc ruột Trichobezoar (thể kết của tóc). Tình trạng hiếm gặp này được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường ruột do ăn tóc và xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trichotillomania, một tình trạng tâm lý biểu hiện thôi thúc người bệnh nhổ tóc và ăn không kiểm soát.
Búi tóc quấn gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 5 tuổi được ra ngoài sau ca phẫu thuật.
Sau ca mổ, bệnh nhi K.A. được bệnh viện can thiệp, nâng đỡ tâm lý, hồi phục và xuất viện ngày 29/12/2021.
Hội chứng Rapunzel gây nên bởi chứng nhổ tóc bệnh lý được DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Mỹ) xếp vào nhóm "Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan". Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỉ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17. Bệnh làm cho trẻ cảm thấy lo buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường,...
Những người mắc bệnh này cảm thấy họ buộc phải nhổ tóc để cảm thấy thư giãn hơn. Nghiên cứu đã phát hiện 20% số người mắc bệnh thực hiện các hành vi này hàng ngày, bao gồm cả việc nuốt tóc.
Các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thuyết gây ra hội chứng Rapunzel như bị bỏ đói trong một khoảng thời gian dài, chấn động tâm lý từ thơ ấu, căng thẳng quá mức,...
Điều trị tâm lý sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa việc ăn tóc tái phát trong tương lai. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người mắc bệnh do căng thẳng vì họ có nguy cơ tái phát rất cao.
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh ngày nay gặp áp lực về công việc và tình hình tài chính, họ không có sự trợ giúp của ông bà hay xã hội để san sẻ gánh nặng con cái nên chúng thường bị bỏ phó mặc cho nhà trường và xã hội. Hay khắc nghiệt hơn, rất nhiều trẻ phải tự lập "phụ mẫu hóa" từ rất sớm khi hôn nhân ba mẹ tan vỡ, hoặc rơi vào cảnh mồ côi sớm từ sau đại dịch... Chúng rất dễ mặc cảm, tự kỷ, rối loạn tâm sinh lý.
Việc chấp nhận nuôi dưỡng và đồng hành cùng các em, dù trực tiếp hay thay thế bất đắc dĩ, cũng đều là một sứ mệnh hết sức thiêng liêng, hoặc đầu tư trọn vẹn, hoặc xin nhường phần trách nhiệm cho người khác làm tốt hơn.
Theo Nhịp Sống Việt