Mới đây, câu chuyện một bé gái 5 tuổi bị bắt cóc ở Hồ Bắc, Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Khi đang chơi đùa dưới sân chung cư, em đã bị một kẻ buôn người cưỡng ép bắt đi. Do thời gian lúc đó là gần trưa, rất vắng người nên cô bé không thể kêu cứu ai.
Tuy bị bắt cóc nhưng đứa trẻ này đã rất bình tĩnh, ngoan ngoãn nghe lời kẻ bắt cóc mà không hề chống cự. Chính sự khôn ngoan này của em đã khiến tên buôn người nới lỏng cảnh giác, không đề phòng. Sau đó, khi đi trên đường, ngay lúc cảnh sát giao thông đi qua, đứa trẻ đã nhân cơ hội cầu cứu.
Bé gái ngoan ngoãn đi theo kẻ buôn người.
Vì trước đó, bé gái rất ngoan nên kẻ xấu chỉ cho rằng em đang nhõng nhẽo mà không ngờ em đã thực sự nói ra thông tin gia đình, phương thức liên lạc với bố mẹ cho cảnh sát giao thông. Phía cảnh sát cũng lập tức gọi điện xác nhận và thành công giải cứu cô bé trong gang tấc. Sau đó, cảnh sát cũng bắt được đồng bọn của tên bắt cóc.
Cô bé sau đó cung cấp thông tin cho cảnh sát.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được sự quan tâm rất lớn. Hầu hết các ý kiến đều ngợi khen sự thông minh, bình tĩnh của cô nhóc 5 tuổi. Nếu lúc đó em hoảng sợ, chống cự thì có lẽ việc trốn thoát đã khó hơn nhiều. Bên cạnh đó, có thể thấy gia đình cũng đã làm tốt việc dạy con ghi nhớ các thông tin quan trọng.
Vậy trong cuộc sống hàng ngày, để tránh những tình huống nguy hiểm như bắt cóc, cha mẹ cần dạy con kỹ năng mềm ra sao?
Dạy con thận trọng với người lạ
Dạy cho con không tương tác với người lạ là bài học vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần dạy cho con biết: Không có gì sai khi la hét và tạo tiếng ồn nếu con thấy không thoải mái khi có người lạ tiếp cận mình. Dạy con nói "Không", chạy, la lên và nói với người khác nếu con cảm thấy đang gặp nguy hiểm hoặc khó chịu.
Ngoài ra, hãy dặn con không được tùy tiện nhận bánh kẹo từ người lạ. Nếu có người nhờ giúp đỡ, con hãy từ chối bởi nếu thật sự có vấn đề xảy ra, mọi người sẽ tìm trợ giúp từ người lớn chứ không phải từ một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, hãy dạy con khái niệm ''Thế nào là người lạ?". "Người lạ" chính là những người con chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với con hoặc là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,...
Dặn con chơi ở trong lớp, trong sân trường và không theo người lạ
Với trẻ mầm non hoặc lớp 1, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo chỉ giao con cho bố mẹ hoặc người thân có đăng ký thông tin trước đó. Cẩn thận hơn, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo gọi điện xác nhận khi có ai đón con đột xuất. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ nên dặn con chỉ chơi trong lớp hoặc trong sân trường chờ bố mẹ đến đón. Tuyệt đối không đi theo người lạ.
Dạy con học thuộc những số điện thoại quan trọng
Hãy dạy con thuộc lòng số điện thoại của bố mẹ hoặc số điện thoại 113, khi cần thiết phải gọi ngay cho bố mẹ hoặc cơ quan công an. Bên cạnh đó, hãy dạy con những người nào có thể nhờ cậy sự giúp đỡ khi gặp tình huống nguy hiểm. Đó là những người mặc đồng phục như lực lượng công an, bộ đội, bảo vệ,...
Dạy con chạy ngược chiều với những chiếc xe tiến đến gần
Ngoài việc nhắc nhở con tuyệt đối không lên xe của người lạ thì bố mẹ cần dạy con 1 kỹ năng khác quan trọng không kém: Đó là nếu có một chiếc ô tô tiến đến gần phía con và người trong xe cố gắng thu hút sự chú ý, rủ rê đi chơi,... thì con cần chạy ngược lại với hướng di chuyển của xe. Điều này sẽ giúp con có thêm thời gian tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Không tiết lộ tên của con
Bố mẹ không nên ghi tên con vào đồ dùng cá nhân như cặp sách, giày dép hay hộp cơm…. Việc này sẽ khiến người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của con. Một số nghiên cứu chỉ ra, người lạ sẽ dễ dàng chiếm được sự tin tưởng nếu biết được tên của trẻ. Do đó, bố mẹ nên viết số điện thoại của gia đình đề phòng trường hợp đồ đạc bị thất lạc hoặc khi con đi lạc, cần sự giúp đỡ,...
Theo Pháp luật và bạn đọc