Bê bối 'Dieselgate' phiên bản Nhật

22/06/2024 20:16

Rắc rối mà Toyota và các đối thủ Nhật Bản phải đối mặt mặc dù có phần giống với thảm họa của VW gần 10 năm trước, nhưng vụ "Dieselgate" nghiêm trọng hơn nhiều.

Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật Bản, gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý khi vướng vào vụ bê bối gian lận làm rung chuyển ngành ô tô.

Sản phẩm và dịch vụ từ "đất nước Mặt trời mọc" vốn nổi tiếng với chất lượng cao, uy tín và độ tin cậy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thời gian gần đây đang bị chỉ trích vì gian lận dữ liệu kiểm nghiệm để xin cấp chứng nhận.

Biểu tượng hãng Toyota tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Statista, trong năm 2023, hai trong ba thương hiệu ô tô toàn cầu lớn nhất đến từ Nhật Bản. Toyota dẫn đầu với 10,7% thị phần, trong khi Volkswagen của Đức đứng thứ hai với 6% thị phần. Honda Motor của Nhật Bản là thương hiệu lớn thứ ba, chiếm 4,6%.

*Chuyện gì đã xảy ra?

"Kaizen" là một triết lý của Nhật Bản, được hiểu là "cải tiến liên tục", được Toyota áp dụng và tuyên truyền như một trong những giá trị cốt lõi của hãng.

Tuy nhiên, danh tiếng của họ đã bị ảnh hưởng sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản tiến hành điều tra diện rộng các hãng ô tô trong nước. Cuộc điều tra tiết lộ rằng năm nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản, trong đó có Toyota, đã sử dụng dữ liệu giả mạo để xin cấp chứng nhận cho xe của hãng.

Bộ trên cho biết vào ngày 3/6, đã phát hiện ra những bất thường trong hồ sơ xin cấp chứng nhận của Toyota, Mazda, Honda, Suzuki Motor và Yamaha Motor. Tất cả năm hãng đều đã cung cấp dữ liệu kiểm nghiệm sai, hay trong trường hợp của Toyota và Mazda là đã làm giả các phương tiện được sử dụng trong các bài kiểm tra va chạm.

Toyota hiện đã thừa nhận gian lận ồ ạt trong các bài kiểm tra chứng nhận cho bảy mẫu xe được bán trong nước trong sáu lần đánh giá được thực hiện vào các năm 2014, 2015 và 2020.

Nhà sản xuất ô tô này cho biết hành vi gian lận liên quan đến việc sử dụng dữ liệu không phù hợp hoặc lỗi thời trong các bài kiểm tra va chạm, cũng như kiểm tra không chính xác về việc phồng túi khí và hư hỏng ghế sau trong các vụ va chạm. Chẳng hạn  thiệt hại do va chạm chỉ được đo ở một bên mui xe của một mẫu xe thay vì cả hai bên như yêu cầu. Các bài kiểm tra khí thải cũng được phát hiện là đã bị làm giả.

Để ứng phó với các bê bối, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã xin lỗi các bên liên quan và khách hàng, đồng thời công ty đã tạm dừng xuất xưởng và bán ba mẫu xe hiện đang được sản xuất tại Nhật Bản, cụ thể là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross.

Bê bối này đã ảnh hưởng đến doanh số bán xe Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực ô tô toàn cầu. Sự kiện này xảy ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, một phần do doanh số bán xe điện (EV) bùng nổ.

Cổ phiếu của cả năm nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này đều giảm mạnh trong tuần sau khi thông tin được tiết lộ. Đáng chú ý nhất là Toyota đã mất 2.450 tỷ yen (15,62 tỷ USD) giá trị thị trường chỉ trong một tuần.

* Vụ "Dieselgate" thứ hai?

Một vụ bê bối tương tự đã ảnh hưởng đến danh tiếng và doanh số bán hàng của Volkswagen (VW) vào năm 2015, sau khi “gã khổng lồ” ô tô Đức thừa nhận đã cài đặt phần mềm bất hợp pháp gian lận các bài kiểm tra khí thải. Vụ bê bối ô tô lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, còn được biết đến với tên gọi "Dieselgate", đã khiến VW phải chịu khoản tiền phạt và thiệt hại hơn 30 tỷ USD, đồng thời ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất ô tô khác.

Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết rắc rối mà Toyota và các đối thủ Nhật Bản phải đối mặt mặc dù có phần giống với thảm họa của VW gần 10 năm trước, nhưng vụ "Dieselgate" nghiêm trọng hơn nhiều.

Ông Ferdinand Dudenhöffer thuộc Ferdy Research, đồng thời là cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô Đức nói với DW rằng vụ "Dieselgate" là một trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật môi trường của Mỹ. Bê bối an toàn của Nhật Bản không thể so sánh được. VW được phát hiện đã vi phạm Đạo luật Không khí Sạch của Mỹ bằng cách cố tình lập trình động cơ diesel để kích hoạt kiểm soát khí thải chỉ trong các lần kiểm tra phòng thí nghiệm. Biện pháp này khiến các phương tiện đạt tiêu chuẩn của Mỹ về lượng khí nitơ oxit (NOx) thải ra. Trong khi thực tế, chúng thải ra lượng NOx gấp 40 lần trong quá trình lái xe thông thường.

VW sau đó đã bị điều tra ở nhiều quốc gia khác và phải nhận các khoản tiền phạt hàng tỷ USD từ chính phủ cùng với các yêu cầu bồi thường từ chủ sở hữu của 11 triệu xe được trang bị thiết bị gian lận khí thải.

Nhà phân tích cấp cao Felipe Munoz tại công ty nghiên cứu ô tô JATO Dynamics có trụ sở tại London, nói với DW rằng vụ "Dieselgate" chắc chắn đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của VW ban đầu, nhưng nó đã nhanh chóng biến mất vì những chiếc xe này rất được ưa chuộng. Một năm sau vụ "Dieselgate", doanh số bán hàng của VW lại tăng trưởng.

Do đó, theo ông Munoz bất kỳ tác động nào đến doanh số bán xe của Nhật Bản cũng sẽ chỉ là tạm thời nhưng có thể gây tổn hại cho các hãng nhỏ hơn nhiều so với Toyota. Ông Munoz cho rằng vụ bê bối này sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến doanh số bán hàng vì Toyota có một danh tiếng rất tốt. Đây là thương hiệu ô tô toàn cầu nhất thế giới.

Mặc dù vậy, việc che giấu các bài kiểm tra là một bước thụt lùi lớn đối với Toyota, hãng đã đạt được lợi thế cạnh tranh trong nhiều thập kỷ nhờ sản xuất những chiếc xe chất lượng cao và đặt ra tiêu chuẩn về độ bền và giá trị bán lại lâu dài.

Toyota cũng được hưởng lợi từ chiến lược sản xuất xe hybrid, chạy bằng cả động cơ đốt trong và pin điện, thay vì các mẫu xe chỉ dùng điện. Điều này đã mang lại lợi nhuận khổng lồ vì nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về phạm vi hoạt động của pin và giá trị bán lại trong tương lai của xe điện.

Hiện tại, Toyota có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc, những hãng đã hoàn toàn chấp nhận xe điện và chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng vọt 64% trong năm 2023 so với năm 2022.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bê bối 'Dieselgate' phiên bản Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO