1. Nhóm thực phẩm bổ sung cho thực đơn ăn dặm của bé
Thịt và trứng: Trẻ 9 - 10 tháng tuổi có thể ăn thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng… Những thực phẩm này giúp cung cấp chất đạm và nhiều dưỡng chất khác cho trẻ.
Rau: Luôn là thực phẩm cần thiết cho sức khỏe, rau cung cấp chất xơ và nhiều vitamin giúp trẻ phát triển tốt hơn. Mẹ có thể lựa chọn thay đổi các loại rau củ như: bông cải xanh, súp lơ, cải bó xôi, rau ngót…
Ngũ cốc: Bên cạnh cháo ăn dặm hàng ngày, trong quá trình nuôi con mẹ có thể cho con ăn thêm một số loại ngũ cốc như mỳ làm từ lúa mỳ nguyên cám, bột yến mạch… Hoặc bánh mỳ, bánh quy cũng là gợi ý hay để đổi vị cho các bạn nhỏ.
Gia vị: Ở độ tuổi này, trẻ đã có cảm nhận vị giác rõ ràng. Đây là cơ hội để bé được thưởng thức thêm nhiều gia vị khác. Trong các món ăn của con, mẹ có thể thêm một số loại gia vị như đinh hương, hạt cây thì là, quế, tỏi, hành…
Trái cây: Mẹ có thể cho trẻ ăn trái cây vào các bữa phụ như việt quất, dưa, cam, xoài… Mẹ có thể nghiền nhỏ, dằm nát cho con ăn dễ dàng hơn.
Nước lọc và nước trái cây: Nước luôn cần thiết đối với sức khỏe của bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào và với trẻ nhỏ cũng vậy. Hệ tiêu hóa của trẻ đang phát triển nên mẹ cần cho bé uống nước đã đun sôi hoặc nước trái cây tự ép tại nhà
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Trong các bữa phụ của con, mẹ có thể cho bé ăn pho mai, sữa chua hoặc bơ. Khi chọn mua, mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn về độ tuổi sử dụng trên bao bì sản phẩm.
2. 7 món ăn dặm dành cho bé 9 tháng tuổi
1. Cháo gan gà, khoai lang
Nguyên liệu
- Gạo tẻ
- Gan gà: 30g
- Khoai lang: 20g
- Dầu ăn: 5g
Thực hiện
- Gạo vo sạch, ngâm trong nước 30 phút trước khi ninh. Mẹ có thể nấu cháo bằng nồi cơm điện đến khi nhừ thì tắt bếp.
- Gan gà rửa sạch, bỏ màng và băm nhuyễn.
- Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi hấp chín. Khi khoai đã chín thì nghiền nhỏ.
- Đun chảo nóng, phi hành thơm rồi cho gan gà đảo cùng đến khi chín.
- Lấy 50g cháo đã chín, cho gan gà và khoai lang vào cùng. Khuấy đều, đun sôi thì tắt bếp.
2. Cháo tôm và mướp
Nguyên liệu
- Tôm tươi: 2 con
- Cháo đã nấu chín
- Mướp hương
Thực hiện
- Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, sống lưng và chỉ bụng rồi rửa sạch. Băm nhỏ tôm.
- Mướp rửa sạch, băm nhỏ.
- Đun nóng chảo, cho dầu ăn, phi hành rồi cho tôm vào xào chín. Sau đó, cho mướp vào đảo đến khi chín.
- Cháo đun sôi, cho tôm và mướp vào. Khấy đều và đun trong 5 phút thì tắt bếp.
3. Cháo cá hồi, bí đỏ
Nguyên liệu
- Cá hồi: 30g
- Bí đỏ: 30g
- Cháo trắng
- Hành khô
Thực hiện
- Cá hồi rửa sạch, hấp lên dùng mấy lát gừng để khử mùi tanh.
- Khi cá chín, gỡ lấy thịt và giã nát.
- Đun nóng chảo, cho dầu ăn và hành khô phi thơm rồi cho cá đảo đều trong 2-3 phút.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng rồi hấp chín.
- Đun cháo sôi thì cho thêm cá hồi và bí đỏ, khuấy đều rồi đun sôi thêm lần nữa thì tắt bếp.
4. Cháo tim khoai tây, cà rốt
Nguyên liệu
- Cháo trắng
- Tim heo: 30g
- Cà rốt
- Khoai tây
- Rau cải ngọt
Thực hiện
- Tim rửa sạch, băm nhỏ rồi đảo chín cùng hành khô
- Cà rốt, khoai tây gọt vỏ, rửa sạch. Hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
- Cải xanh rửa sạch, băm nhỏ.
- Đến khi cháo nhừ thì cho cà rốt, khoai tây vào, cuối cùng là rau cải ngọt. Đun khoảng 2 phút thì tắt bếp.
5. Cháo thịt bò, cải thảo
Nguyên liệu
- Cháo trắng
- Thịt bò: 20g
- Cải thảo
- Tỏi khô
Thực hiện
- Cải thảo rửa sạch, băm nhỏ
- Thịt bò rửa sạch, băm nhuyễn. Đun nóng chảo, phi tỏi thơm rồi cho thịt bò vào xào chín.
- Cháo đun sôi, cho thịt bò vào nấu chín. Thêm cải thảo vào, đun 5 phút thì tắt bếp.
6. Cháo sườn, trứng gà
Nguyên liệu
- Gạo: 30g
- Sườn non heo: 3-4 miếng
- Trứng gà: 1 quả
- Dầu ăn
Thực hiện
- Sườn heo rửa sạch rồi ninh nhừ. Lọc thịt sườn và bỏ xương.
- Dùng nước ninh sườn để nấu cháo.
- Khi cháo được ninh nhừ thì cho lòng đỏ trứng gà vào đánh tan, khuấy đều.
- Thêm chút dầu ăn vào cháo trước khi đổ ra bát.
7. Cháo đậu xanh, thịt heo và cải thìa
Nguyên liệu
- Gạo tẻ: 50g
- Đậu xanh: 30g
- Thịt heo: 20g
- Cải thìa
Thực hiện
- Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ
- Cải thìa rửa sạch, thái nhỏ
- Đậu xanh rửa sạch, để nguyên vỏ ngâm nước nóng trong 30 phút.
- Cho đậu xanh và gạo vào nồi ninh nhừ thành cháo.
- Khi cháo sôi, cho thịt heo khuấy đều sau 2-3 phút thì thêm rau cải vào.
- Đun thêm 5 phút thì tắt bếp, đổ cháo ra bát.
Trên đây là 7 món ăn dặm giàu dinh dưỡng dễ làm tại nhà cũng như những nguyên tắc quan trọng mẹ cần ghi nhớ trong quá trình xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 9 - 10 tháng tuổi.
Theo Tâm An - Vietnamnet