Cậu bé Thiên Thiên 1 tuổi được mẹ đánh giá là "dư thừa năng lượng". Lúc nào em cũng hoạt bát, tay chân luôn vận động không lúc nào ngơi. Một hôm, mẹ Thiên Thiên có việc nên nhờ bà nội trông con. Người bà bế cháu ra hành lang để vừa phơi quần áo vừa tiện trông cháu. Tuy nhiên chỉ vài phút sau, người bà hốt hoảng nghe thấy tiếng Thiên Thiên khóc to. Bà vội vàng chạy đến thấy cháu trai đang cầm chai nước tẩy, miệng chai đã mở ra. Bà nội nhận ra Thiên Thiên vừa uống nước tẩy quần áo nên vội vàng gọi điện cho mẹ cậu bé về. Người mẹ lúc này vừa về đến nhà đã vội vàng lấy một cốc sữa cho con uống. Sau đó chị dùng khăn khô lau sạch mọi vết chất tẩy còn sót lại trên da con rồi gọi xe cấp cứu tới bệnh viện.
Tới bệnh viện các bác sĩ gấp rút rửa dạ dày cho Thiên Thiên. Rất may là tình hình được kiểm soát nhanh chóng và sức khỏe của cậu bé dần ổn định. 3 ngày sau em được xuất viện.
Phó trưởng khoa Nhi của bệnh viện dành lời khen ngợi cho cách sơ cứu của mẹ Thiên Thiên. Cô cũng cho biết trước đây có một vài trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì uống nhầm nước tẩy rửa nhưng người nhà không biết cách xử lý ban đầu nên tình trạng của bệnh nhi nghiêm trọng hơn.
Khi trẻ uống nhầm nước tẩy rửa cha mẹ nên làm gì?
Khi gặp phải những tình huống tương tự, nhiều bậc cha mẹ vội vàng đưa con đến bệnh viện ngay lập tức. Tuy nhiên trong trường hợp này cần sơ cứu bước đầu cho trẻ tại nhà.
Bác sĩ Nhi khoa cho biết, chất khử trùng có tính ăn mòn cao, nếu nuốt nhầm sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến khoang miệng, thực quản và thậm chí cả niêm mạc dạ dày. Rất nhiều người gặp phải tình huống này, phản ứng đầu tiên chính là bắt bé nhổ ra, nhưng trên thực tế, phương pháp này không nên vì khi bé nôn ra sẽ gia tăng tổn thương đường tiêu hóa, dạ dày, thực quản.
Trong trường hợp vô tình nuốt phải, nên cho trẻ lập tức uống một số đồ uống giàu protein như sữa và lòng trắng trứng, thứ nhất có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày, thứ hai, để chất khử trùng ưu tiên ăn mòn protein để tránh tiếp xúc với thành dạ dày. Việc còn lại là lập tức lau sạch chất lỏng còn sót lại trên da để tránh chất khử trùng ăn mòn da. Thực hiện nhanh chóng những bước sơ cứu ban đầu này xong hãy thu xếp để đưa trẻ tới bệnh viện càng nhanh càng tốt.
Bên cạnh đó hãy nhớ khi đưa trẻ tới viện cần cầm theo chất tẩy mà trẻ uống phải. Bác sĩ có chuyên môn từ đó sẽ có những đánh giá hợp lý để phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị cho bé.
Cuối cùng bác sĩ Nhi khoa cũng nhắc nhở người lớn nên cẩn trọng trong việc cất các chất tẩy rửa ở vị trí thích hợp, tránh xa tầm tay của trẻ em để tránh các tai nạn không mong muốn.