Bẫy lừa đảo việc làm bủa vây tân sinh viên

An Thanh| 07/09/2023 14:08

Chân ướt chân ráo vào thành phố nhập học, nhiều sinh viên và tân sinh viên đã trở thành con mồi cho các chiêu trò lừa đảo việc làm.

Hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng và tinh vi, từ bán hàng đa cấp, môi giới việc nhẹ lương cao, cho đến bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng… Nhiều sinh viên đã mất tiền oan, thậm chí bị đe dọa, gây hoang mang và ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Mất tiền để nhận việc


Mạng xã hội giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều việc làm cũng đồng thời tạo ra nhiều cạm bẫy mà nếu không “tỉnh”, sinh viên rất dễ bị lừa. T.T.A (sinh viên năm 3, trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) còn nhớ như in việc bản thân bị mất tiền vào một công việc lừa đảo khi còn là sinh viên năm nhất.

Vì muốn giúp bố mẹ giảm gánh nặng tài chính và có thêm tiền trang trải nên A tìm việc làm thêm. Qua Facebook, A tìm được công việc viết đánh giá sản phẩm cho một trang web bán hàng với mức tiền công khá hời: “Mình sẽ được nhận từ 5 nghìn - 20 nghìn cho một bình luận khoảng 150 từ, lương sẽ được nhận theo ngày. Từ 30 nghìn là mình có thể rút tiền về tài khoản. Công việc không gò bó thời gian, rảnh làm bận nghỉ.”

Tuy nhiên, để có thể trở thành cộng tác viên viết đánh giá cho trang web này, A phải đóng một khoản tiền là 399 nghìn để được tạo tài khoản làm việc trên trang web. “Mình cũng có nghi ngờ, cũng suy nghĩ đến việc tại sao không có phỏng vấn này kia nhưng mà thấy công việc cũng bình thường. Thêm nữa, người ta gửi cả loạt hình ảnh feedback của những cộng tác viên đã thành công nhận được tiền làm minh chứng nên mình mới tin, mình chuyển tiền ngay.”, A kể lại.

z4665371266381_c4f0ad8ed6be5e6f6369952f43399e15.jpg
Để có thể trở thành cộng tác viên viết đánh giá cho trang web này, A phải đóng một khoản tiền là 399 nghìn để được tạo tài khoản làm việc trên trang web. (Ảnh: NVCC).

Theo thỏa thuận, A sẽ nhận tiền trong ngày, nhưng sau ba bốn ngày nữ sinh vẫn không thấy lương đâu, nhắn tin hỏi thì được báo là lương về trẻ một hai ngày là bình thường. “Lúc đó, mình biết mình bị lừa rồi nhưng mà tiền đã chuyển cho người ta rồi nên cũng ráng ôm niềm tin mà đợi. Sau một tuần mình nhắn tin lại thì người ta kêu bình luận của mình không đạt yêu cầu. Mình hỏi mình sai chỗ nào, chỗ nào không đạt yêu cầu thì họ lấp liếm, không chỉ ra được lỗi nào mà chỉ bảo mình viết không đạt yêu cầu. Đến đây là mình biết mình mất tiền oan rồi.”, A ngậm ngùi.

Việc nhẹ lương cao


Một chiêu trò lừa đảo việc làm khác là môi giới việc nhẹ lương cao. Các đối tượng lừa đảo thường đăng tuyển dụng bán hàng siêu thị, phục vụ quán ăn, cà phê, nhân viên văn phòng… với ca giờ linh hoạt, lương hấp dẫn. Khi các bạn sinh viên đến nộp hồ sơ xin việc, họ sẽ bị yêu cầu mua bộ sản phẩm hoặc đóng phí để được nhận việc.

“Trên các hội nhóm đầy rẫy những bài tuyển dụng việc nhẹ lương cao. Không tỉnh táo là dễ bị lừa lắm”. Đó là kinh nghiệm mà H.T.K (sinh viên năm 3, trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) rút ra sau vài lần trải qua thực tế ngay đầu năm hai đại học. Thời điểm đó, muốn kiếm thêm tiền tiêu Tết nên K và bạn của mình rủ nhau đi tìm việc làm thêm. Cả hai tìm thấy một tin tuyển dụng tại rạp chiếu phim trên Facebook và đến nộp hồ sơ. Tuy nhiên, địa điểm nộp hồ sơ lại không phải là rạp chiếu phim mà ở một khu nhà khá heo hút ở Thủ Đức.

z4665371273675_fee2a2baed17d3d884263d8da002ff75(1).jpg
K phải liên hệ qua Zalo, cung cấp thông tin cá nhân thì mới nhận được địa chỉ phỏng vấn. (Ảnh: NVCC).

“Địa điểm phỏng vấn chỉ là cái nhà bình thường chứ không phải rạp chiếu phim, phía trước để bảng có hai chữ phỏng vấn thiệt lớn, phía trong nhà thì xếp ghế thành 4 dãy. Tụi mình định quay xe rồi, nhưng mà thấy ở đó có nhiều bạn trẻ đến phỏng vấn lắm nên cũng mạnh dạn vào xem như nào”, K nhớ lại.

Sau một hồi phỏng vấn, K được bên phía tuyển dụng yêu cầu đóng 400 nghìn tiền đồng phục trước khi nhận việc. “Nghe đến đây là tụi mình biết chỗ này lừa chắc luôn. Tụi mình viện cớ không có đủ tiền nên sẽ đi rút tiền và quay lại rồi tụi mình chạy biến luôn. Cũng may là tụi mình không có thói quen để tiền trong ví nên mới dễ qua mặt người ta.”, L nói.

Sau đó, cô bạn cũng tìm thêm một vài công việc khác như phục vụ ở quán cà phê, nhân viên siêu thị, nhân viên bán quần áo,... Mặc dù địa điểm có khác nhau nhưng phương thức lừa đảo thì cũng gần như nhau. “Mình thấy chỗ không yêu cầu tiền đồng phục thì cũng yêu cầu tiền khám sức khỏe. Buồn cười nhất là bài đăng sẽ không để địa chỉ phỏng vấn nhưng khi nhắn tin qua Zalo để nhận địa chỉ thì mình phát hiện có vài chỗ phỏng vấn giống nhau nữa mặc dù là hai hình thức kinh doanh khác nhau”, K chia sẻ.

Làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật


Còn trường hợp của H.T.T.L (Sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên), sau khi ứng tuyển thành công làm cộng tác viên Marketing online qua một website tìm việc làm, cô bạn được giao làm nhiệm vụ với mức hoa hồng hậu hĩnh. L nhớ lại: “Mình được thêm vào một group chat trên Telegram cùng với 6 người khác. Leader sẽ gửi cho tụi mình một đường link, yêu cầu tụi mình vào đăng ký tài khoản rồi nhập số liệu vào các ô được hiện lên. Sau khi hoàn thành công việc, tụi mình chụp màn hình rồi gửi vào trong group chat làm minh chứng và nhận được 100 nghìn”.

Ở lần làm nhiệm vụ đầu tiên, tiền sẽ được chuyển về tài khoản ngay lập tức, L cũng nhận được 100 nghìn tiền hoa hồng như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, từ nhiệm vụ thứ hai, bắt buộc hội viên phải nộp tiền trước mới có thể thực hiện, tiền hoa hồng cũng cao hơn nhiệm vụ đầu tiên.

L kể thêm: “Qua nhiệm vụ thứ hai là mỗi hội viên sẽ có một người phụ trách riêng. Người phụ trách sẽ nhắn tin và phổ biến công việc cụ thể. Mình được yêu cầu nộp 100 nghìn vào tài khoản đã tạo ở nhiệm vụ đầu tiên, sau 15 đến 20 phút mình sẽ nhận được hoa hồng từ 250 nghìn đến 300 nghìn”. Cũng may lúc đó L nhanh trí chụp màn hình gửi cho bạn xem, được bạn bè nhắc nhở nên cô bạn đã kịp thời dừng lại tránh tiền mất mà chẳng nhận lại được gì.

noi-khong-6-.png
Hội viên được giao nhiệm vụ qua một group chat trên Telegram. Sang nhiệm vụ thứ 2, hội viên phải nạp tiền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC).

Tăng cường “sức đề kháng” cho sinh viên

Theo ThS. Nguyễn Quỳnh Nga - Phó trưởng Phòng Thanh Tra Pháp chế - Sở hữu trí tuệ trường Đại học KHXH và Nhân văn ĐHQG TP.HCM, hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản một cách trái phép. Các đối tượng này thường nhắm vào các bạn sinh viên cần có tiền để trang trải học phí, cuộc sống; những người nhẹ dạ cả tin... và nhiều đối tượng khác. Thông thường các đối tượng sẽ chọn hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng thực tế cũng có thể làm trực tiếp.

Sinh viên cần lưu ý những dấu hiệu nhận diện bẫy lừa đảo qua tin tuyển dụng: Không xác định được công việc đó là gì hay nói cách khác là một công việc không có mục đích, không tạo ra kinh nghiệm… Việc làm từ các sàn thương mại điện tử. Công việc được chào mời từ những người không quen biết, hứa hẹn có thu nhập cao, phù hợp với giờ học, làm lúc nào cũng được. Có đặt cọc (tiền đồng phục, tiền training và các loại phí khác ko phù hợp),...

“Khi xem các thông tin tuyển dụng, các bạn sinh viên cần chú ý thông tin đối với các nhà tuyển dụng như: công ty uy tín (có địa chỉ, có tên gọi rõ ràng...). Không giao dịch qua mạng xã hội khi không biết ng mình trao đổi là ai. Ký hợp đồng làm việc rõ ràng, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của mình, của người sử dụng lao động”, ThS. Nguyễn Quỳnh Nga khuyến cáo.

Cô Nga cũng cho biết thêm, đã có rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên bị lừa đảo, thậm chí có những bạn bị mất số tiền rất lớn. Trong các trường hợp này, các bạn cần thu thập minh chứng, gửi đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xử lý.

Để nâng cao nhận thức, tránh rơi vào các bẫy lừa đảo việc làm, ThS. Nguyễn Quỳnh Nga khuyên các bạn sinh viên nên tham gia các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật của Nhà trường để tăng cường hiểu biết, nâng cao cảnh giác về các trường hợp lừa đảo. Không chuyển tiền khi nhận được tin nhắn nhờ chuyển khoản mà không đúng tên tài khoản (bạn bè, người thân). Không tham gia làm việc/giao dịch qua mạng với người mà mình không biết, với những lời hứa hẹn hoa hồng, thu nhập cao. Không có công việc nào đòi hỏi nhiệm vụ là nạp tiền/đặt cọc, tuyệt đối không tham gia nếu có biểu hiện đó.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bẫy lừa đảo việc làm bủa vây tân sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO