Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trước 'giờ G' - Kỳ 2: Nỗi ám ảnh giờ chót

03/11/2024 08:26

Lịch sử chính trường Mỹ từng chứng kiến không ít màn “đổi màu” bản đồ bầu cử vào phút chót, khiến người chắc mẩm chiếc ghế tổng thống cuối cùng phải sững sờ nhìn đối thủ chiến thắng. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay cũng được dự đoán sẽ hồi hộp, căng thẳng nghẹt thở cho đến phút cuối cùng.

Những cú “ngã ngựa” trước thềm vinh quang

Sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất giữa cựu Tổng thống Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa và đương kim Phó tổng thống Kamala Harris đại diện cho Đảng Dân chủ vào ngày 11-9 vừa qua, chiến dịch tranh cử của cả hai chính trị gia này đều khẳng định ứng cử viên của mình chiến thắng.

Còn nhớ, giai đoạn sát ngày bầu cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 từng được coi là thời điểm đầy mộng mơ với ứng cử viên Đảng Dân chủ - cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Hầu hết cuộc thăm dò dư luận đều đưa ra những kết quả thiên về một chiến thắng áp đảo dành cho bà Hillary Clinton. Cũng dễ hiểu vì lúc đó cựu Ngoại trưởng Mỹ hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành tổng thống trong lần đầu tiên tranh cử. Đó là tài năng, danh tiếng với tư cách là phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton và trên hết là kinh nghiệm chính trường lâu năm. Sự tự tin lên cao tới mức chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đã sắp sẵn một bữa tiệc ăn mừng chờ giây phút lịch sử. Nhưng kết quả kiểm phiếu sau đó lại cho kết quả ngược lại: Người chiến thắng là đối thủ của bà - tỷ phú Donald Trump, vốn khi ấy vẫn chỉ được coi là “tay mơ” trên sân khấu chính trị.

Xem thêm: Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trước 'giờ G' - Kỳ 1: Ông Donald Trump hay bà Kamala Harris - cử tri Mỹ gọi tên ai?

Một cử tri bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ qua thư vào ngày 15-10-2024 tại Doylestown, bang Pennsylvania. Ảnh: CNN 

4 năm sau đó, đến lượt ông Donald Trump trở thành nạn nhân của tâm lý hưng phấn thái quá trước khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất, do bị truyền thông và các cuộc thăm dò dư luận đẩy lên cao chót vót. Lúc ấy, ai cũng nghĩ vị tỷ phú này đã nắm chắc phần thắng, nhưng khi kiểm đếm toàn bộ phiếu thì kết quả đảo chiều, chiếc ghế quyền lực trong phòng Bầu dục lại thuộc về chính trị gia Joe Biden.

Hai bài học nhãn tiền ấy có thể là lý do khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, các ứng cử viên sẽ dè dặt hơn trong việc đưa ra tuyên bố chiến thắng một cách vội vàng sau ngày bầu cử.

Thêm vào đó, trước đây, việc kiểm phiếu khá đơn giản bởi hầu hết cử tri Mỹ đều bỏ phiếu trực tiếp. Nhưng từ năm 2000, hình thức bỏ phiếu qua thư ngày càng được ưa chuộng, khiến thời gian kiểm đếm phiếu bầu kéo dài, thậm chí là trong nhiều ngày, nhiều tuần. Điều đó càng khiến dư luận khó đưa ra dự đoán chính xác về người chiến thắng ngay sau đêm bầu cử chính thức.

Truyền thông “thay áo mới”

Báo chí, truyền thông thường đóng vai trò quan trọng trong lịch sử các cuộc bầu cử ở Mỹ và một số tờ báo lớn ở nước này cũng có truyền thống ủng hộ một ứng cử viên nào đó, bắt đầu từ khi tờ Chicago Tribune thể hiện sự ủng hộ đối với ứng cử viên tổng thống Abraham Lincoln vào năm 1860. Thế nhưng, điều đó dường như đã thay đổi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Cách đây ít ngày, hai tờ báo tiếng tăm ở nước này là The Washington Post và Los Angeles Times trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận, thậm chí gây ra phản ứng dữ dội ngay từ trong nội bộ bởi quyết định không thể hiện sự ủng hộ dành cho ứng cử viên nào, hay nói nôm na là “không chọn phe” trong mùa bầu cử năm nay.

Từ năm 1976, The Washington Post thường xuyên công khai ủng hộ một ứng cử viên tổng thống nào đó trong hầu hết cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Gần đây nhất, tờ báo này đã thể hiện sự ủng hộ đối với các ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử năm 2016 và 2020.

Giải thích về quyết định nói trên, tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu của The Washington Post, cho biết, với tư cách là tờ báo ở thủ đô của quốc gia quan trọng nhất thế giới, nhiệm vụ của họ là phải cho thấy sự trung lập. Ông Jeff Bezos cũng nói thêm rằng việc The Washington Post đưa ra quan điểm ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào không tác động tới kết quả bầu cử, song lại khiến dư luận có cảm giác tờ báo này không trung lập. Bởi vậy, việc chấm dứt truyền thống kéo dài hàng chục năm qua là điều đúng đắn. Tương tự, một lãnh đạo khác của The Washington Post khẳng định báo này không tiếp tục ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ vì độc giả và cử tri Mỹ mới là những người có khả năng tự đưa ra quyết định bầu ai là tổng thống.

Động thái bất ngờ của The Washington Post đã làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về tự do báo chí và liệu các tờ báo có nên giữ vai trò hoàn toàn trung lập trong các cuộc bầu cử ở Mỹ hay không.

Sân chơi bên lề của các tỷ phú

Không quá bất ngờ khi cuộc bầu cử năm nay đang trên đà trở thành cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tốn kém nhất lịch sử và đã liên quan đến tiền thì không thể không nhắc tới các tỷ phú.

Theo tờ Financial Times, có tới ít nhất 144 nhân vật trong danh sách 800 tỷ phú Mỹ do Tạp chí Forbes bình chọn đã dùng hầu bao của mình tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Từ tháng 1-2023 đến giữa tháng 10-2024, các nhóm ủng hộ đương kim Tổng thống Joe Biden và sau đó là Phó tổng thống Kamala Harris đã huy động được 2,2 tỷ USD để tiếp sức cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ, trong khi con số này của cựu Tổng thống Donald Trump vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, đồng thời là người giàu nhất thế giới đã có động thái đầy bất ngờ. Nếu như ở hai cuộc bầu cử tổng thống gần nhất, tỷ phú này ủng hộ và quyên góp cho các ứng cử viên của Đảng Dân chủ thì nay đã chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa. Gần đây, ông Elon Musk không chỉ xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump mà còn chi hơn 118 triệu USD cho siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Donald Trump.

Dĩ nhiên, vẫn còn những nhân vật lắm tiền nhiều của giữ thái độ trung lập, không công khai ủng hộ hoặc chi tiền cho chiến dịch tranh cử của bất kỳ ứng cử viên nào, điển hình là các tỷ phú: Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Tim Cook hay Warren Buffett.

Khi đồng hồ điểm dần tới ngày bầu cử chính thức, kết quả thăm dò dư luận vẫn cho thấy cán cân ủng hộ gần như 50-50 dành cho hai ứng cử viên Donald Trump hay bà Kamala Harris. Nhưng dư luận đồn rằng đang xuất hiện những sự dịch chuyển trong tâm lý của các nhóm cử tri Mỹ. Ai sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của tòa Bạch ốc-Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ-có thể chỉ ngã ngũ cho đến khi kiểm tờ phiếu cuối cùng.

(còn nữa)

ANH VŨ

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bau-cu-tong-thong-my-2024-truoc-gio-g-ky-2-noi-am-anh-gio-chot-801435
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bau-cu-tong-thong-my-2024-truoc-gio-g-ky-2-noi-am-anh-gio-chot-801435
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trước 'giờ G' - Kỳ 2: Nỗi ám ảnh giờ chót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO