Ngày 24/1, các nhà lập pháp từ lưỡng viện của quốc hội và một số đại diện vùng Italy, được gọi là “đại cử tri”, đã tiến hành bỏ phiếu kín để bầu tổng thống mới của Italy thay thế Tổng thống Sergio Mattarella.
Trải qua 4 vòng bầu cử, Italy vẫn chưa tìm được tổng thống mới. (Nguồn: LaPresse) |
Tại Italy, bầu cử tổng thống diễn ra 7 năm một lần. Và cũng như các cuộc bầu cử khác trên thế giới, bầu cử thường đi kèm với không ít căng thẳng phía hậu trường. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này lại đặc biệt thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước, mà còn cả châu Âu và thế giới.
Nguyên nhân là do ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này chính là Thủ tướng Italy Mario Draghi. Các đảng tại Italy không muốn mạo hiểm với một cuộc khủng hoảng bằng cách chọn ông Draghi, nhưng không thể đồng ý về một ứng cử viên thay thế.
Quyền lực tối cao
Ở Italy, tổng thống là vị trí chủ yếu mang tính nghi lễ, tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, vị trí này dần trở nên quan trọng hơn khi nền chính trị của nước này ngày càng trở nên phân mảnh và hỗn loạn.
Tổng thống Italy chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ quan trọng như thực thi thẩm quyền về mặt đạo đức và bảo vệ Hiến pháp. Cũng theo Hiến pháp Italy, người đứng đầu nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị và quyết định ai sẽ thành lập chính phủ.
Ngoài ra, tổng thống còn có quyền phê chuẩn hoặc từ chối bổ nhiệm các bộ trưởng khác của chính phủ, cũng như từ chối các nhiệm vụ đối với các liên minh yếu kém và giải tán Quốc hội.
Về cơ bản, tổng thống chủ trì các tòa án và đóng vai trò là tổng tư lệnh, mặc dù quyền hạn này hiếm khi được viện dẫn. Là nhân vật đại diện cho nền dân chủ Italy và Hiến pháp, bao gồm các điều khoản về cân bằng ngân sách và duy trì nghĩa vụ đối với châu Âu, tổng thống có tiếng nói lớn nhất trong việc định hình các chính sách kinh tế và đối ngoại.
Có thể nói, chính bởi nắm giữ nhiều quyền lực tối cao mà vị trí tổng thống góp phần củng cố sự ổn định và trường tồn của chính phủ Italy.
Tranh cãi xoay quanh ứng viên hàng đầu
Theo truyền thông phương Tây, ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng thống Italy lại chính là Thủ tướng Mario Draghi.
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã giúp đất nước ngày một ổn định hơn. (Nguồn: EPA) |
Dù mới nhậm chức chỉ một năm, nhưng ông Draghi đã được nhận định là một trong những nhân vật có quyền lực nhất châu Âu, do đã góp công lớn trong việc ổn định chính trị cũng như cải tổ bộ máy nhà nước tại “đất nước hình chiếc ủng”.
Nếu thắng cử, ông Draghi sẽ là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy đảm nhiệm cả hai vị trí quan trọng này.
Tuy nhiên, nhiều người dân Italy lo ngại rằng, nếu ông Draghi rời khỏi cương vị thủ tướng để trở thành tổng thống, một vai trò mang tính lễ nghi hơn, có thể khiến đất nước một lần nữa rơi vào tình trạng rạn nứt và hỗn loạn, lật đổ những gì ông đã dày công thiết lập trong một năm qua.
Những quan ngại rằng sự ra đi của ông sẽ gây mất ổn định liên minh cầm quyền, đe dọa chương trình cải cách, có thể ảnh hưởng đến việc giải ngân quỹ phục hồi hậu Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU), cũng như rủi ro phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm, đã dai dẳng trong nhiều ngày đàm phán sau hậu trường.
Tuy nhiên, những người ủng hộ thủ tướng Draghi lại cho rằng với tư cách là tổng thống, ông có thể tạo nhiều ảnh hưởng ổn định và rộng mở hơn.
Một số người mong muốn Tổng thống Sergio Mattarella tiếp tục tại vị. Nhưng vị Tổng thống 80 tuổi đã nói rõ rằng ông không muốn có nhiệm kỳ thứ hai.
Nếu các đại cử tri không đồng thuận để chọn được một ứng cử viên, cuộc bầu cử sẽ dễ dàng trở thành nguồn cơn gây chia rẽ cánh tả và cánh hữu tại Italy. Đến lúc đó, thật khó để tưởng tượng làm thế nào mà các đảng phái chính trị đối đầu nhau có thể tập hợp để điều hành chính phủ một cách đoàn kết. Nói cách khác, một chính phủ bị chia rẽ vì quyết định lựa chọn tổng thống sẽ không thể đứng vững.
Không những vậy, sự sụp đổ của chính phủ liên minh Italy còn kéo theo sự bất ổn của khối EU nói chung. Các nước EU đã đặt cược rất nhiều vào sự thành công của Italy, thậm chí chi hàng tỷ Euro cho các cuộc cải cách của đất nước này.
Hệ lụy còn đó
Quá trình lựa chọn tổng thống ở Italy diễn ra với nhiều nghi thức. Các đại cử tri được phép bỏ phiếu một cách bí mật cho bất kỳ người Italy nào trên 50 tuổi và không có tiền án. Ngoài ra, không ai được tuyên bố tự ứng cử.
Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức theo vòng, mỗi vòng 50 người,để ngăn chặn tình trạng quá tải trong các buồng bỏ phiếu và diễn ra trong nhiều ngày.
Ngoài ra, chỉ những người có thẻ xanh, tức đã được tiêm chủng và người mới khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19, mới được bỏ phiếu. Các đại cử tri bị nhiễm bệnh sẽ được phép bỏ phiếu trong một bãi đậu xe bên cạnh tòa Nghị viện Italy.
Trong ba ngày bỏ phiếu đầu tiên, tức ba vòng đầu tiên, ứng cử viên cần đạt 673 phiếu bầu (tức 2/3 số phiếu trong số 1009 đại cử tri) để có thể đắc cử. Nếu chưa tìm được người chiến thắng, Italy sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ tư, và số phiếu yêu cầu đạt giảm xuống còn 505 phiếu.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella năm nay đã 80 tuổi và không mong muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. (Nguồn: Politico) |
Tuy nhiên, với tình trạng chia rẽ hiện tại, trải qua 4 vòng bỏ phiếu, kết quả lần này vẫn chưa ngã ngũ. Trong suốt 4 ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, số người không bỏ phiếu và bỏ phiếu trắng vẫn chiếm đa số (kết quả cụ thể như nào), báo hiệu cuộc bầu cử lần này sẽ còn tiếp tục kéo dài. Trong quá khứ, Italy từng phải trải qua 23 vòng bỏ phiếu mới chọn ra được một tổng thống.
Hiện tại, ông Draghi vẫn là người dẫn đầu cuộc đua giành chức Tổng thống. Đứng thứ hai là Tổng thống Mattarella với 166 phiếu. Các nhà lãnh đạo đảng đã đề xuất một thỏa thuận mới, nếu vòng bỏ phiếu thứ 5 vào ngày 28/1 tiếp tục không đạt được kết qủa. Danh sách các lựa chọn thay thế tiềm năng cho ông Draghi thay đổi hàng ngày, từ các cựu Thủ tướng cho đến các thẩm phán và thậm chí là giám đốc tình báo của Italy, bà Elisabetta Belloni.
Tờ New York Times nhận định, nếu cuộc bầu cử tổng thống tiếp tục kéo dài quá ngày 3/2, tức thời điểm Tổng thống Mattarella mãn nhiệm, Italy sẽ một lần nữa rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, và những nỗ lực ổn định chính trị của Thủ tướng Draghi thời gian qua sẽ “đổ sông đổ bể".