Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố

Thanh Huyền| 05/05/2022 12:15

Các công nhân xây dựng khi đang tiến hành một công trình tại Cảng Cũ thì bất ngờ phát hiện phần thân của một con tàu 700 năm tuổi bị chôn sâu dưới lòng thủ đô Tallinn của Estonia.

Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố ảnh 1
Được chôn sâu khoảng 1,5 mét dưới lòng đất, tàn tích của con tàu được làm bằng gỗ sồi và chỉ dài hơn 78 foot (24 m) với một thanh xà, điểm rộng nhất của con tàu, có chiều ngang khoảng 29 foot (9 m).

Sau khi tiếp nhận, Priit Latti, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Hàng hải Estonia,cho biết: “Con tàu có lẽ được đóng vào đầu thế kỷ 14. Chiều dài ban đầu của con tàu lớn hơn, vì phần gỗ thẳng đứng dọc ở mũi tàu bị mất và mũi tàu bị hư hại.

Con tàu được phát hiện và tiến hành khai quật tại Cảng Cũ của Tallinn vào khoảng ba tuần trước. Con tàu cổ 700 tuổi được cho là một phát hiện quan trọng và đã khiến nhiều nhà nghiên cứu khá sửng sốt khi thân tàu và các bộ phận dù bị chôn vùi dưới đất nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn hình dạng.

Đây là xác tàu lớn nhất thuộc loại này từng được phát hiện. Nơi con tàu "an nghỉ" thuộc cửa sông Harjapea cũ, một tuyến đường thủy không còn tồn tại.

Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố ảnh 2

Theo Latti, con tàu không được chôn sâu lắm, và chứa đầy cát. Ông nói, có khả năng nước biển đã đẩy cát dần dần chôn vùi con thuyền trong nhiều thế kỷ, vì các lớp cát khác nhau có thể nhìn thấy được. Khu vực Tallinn từng là biển cho đến cuối thế kỷ 18. Vào thế kỷ 13, nơi đây chìm sâu 2m dưới mực nước biển.

"Xác tàu Tallinn còn rất tốt. Con tàu dài 24 m và rộng 9 m. Những tấm ván từ đáy tàu lên cao 3 m vẫn còn nguyên vẹn. Con tàu được đóng từ những tấm ván và khúc gỗ sồi lớn. Nó có các lớp ván chồng lên nhau, bịt kín bằng lông động vật và hắc ín", nhà khảo cổ học Mihkel Tammett cho biết.

Kể từ khi phát hiện ra con tàu, đã có nhiều suy đoán rằng nó là tàu chở hàng được sử dụng để buôn bán của Liên đoàn Hanseatic. Liên đoàn Hanseatic là một hiệp hội thương mại với nhiều thành viên từ khắp châu Âu, thống trị các vùng biển từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15. Ở thời kỳ đỉnh cao, Liên minh Hanse gần như độc quyền với toàn bộ việc mua bán hàng hải ở biển Bắc và biển Baltic thời Trung cổ.

Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố ảnh 3

Các hiện vật khác được phát hiện trên con tàu cho đến nay bao gồm một vài thùng gỗ, đồ gốm, xương động vật, một số đồ vật bằng da và hàng dệt may. Số lượng tìm thấy dự kiến ​​sẽ tăng lên trong những ngày tới khi phần phía sau của con tàu được khai quật.

Việc phát hiện ra con tàu trong tình trạng được bảo quản tốt như vậy có ý nghĩa quan trọng, vì nó sẽ giúp các nhà sử học và khảo cổ học tìm hiểu thêm về việc đóng tàu và buôn bán trong thời Trung cổ, cũng như cuộc sống trên những con tàu này.

Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố ảnh 4

Latti cho biết: “Đối với Tallinn là một thị trấn buôn bán cổ, việc tìm thấy thứ như thế này là một “giải độc đắc” trong khảo cổ học. Sự phát triển của Tallinn có liên quan mật thiết đến thương mại hàng hải, và trong khi chúng tôi biết khá nhiều về các thương nhân và hàng hóa, chúng tôi vẫn biết tương đối ít về những con tàu mà họ đã sử dụng."

Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố ảnh 5

Những con tàu tương tự như con tàu này đã từng được phát hiện trong quá khứ. Ví dụ, tàu Bremen được tìm thấy ở Đức vào năm 1962, và một con tàu chở hàng thời trung cổ được phát hiện ở Tallinn vào năm 2015 và hiện được đặt trong Bảo tàng Hàng hải Estonia .

Tương lai của con tàu, sau khi được khai quật, vẫn còn đang được thảo luận. Vì kích thước lớn khiến các chuyên gia gần như không thể di chuyển nó liền một khối, theo Ragnar Nurk, nhà khảo cổ học của chính quyền thành phố Tallinn. "Hiện có hai giải pháp chính: nó sẽ được đưa đến bảo tàng hàng hải hoặc khu vực bảo quản xác tàu ở vịnh Tallinn, gần đảo Naissaar", ông nhận định.

Theo Livescience
  • Lịch sử ra đời và phát triển của những chiếc răng giả
    Thời xa xưa con người đã bắt đầu nghiên cứu và tìm tòi những vật có thể thay thế cho răng bị mất để việc ăn nhai trở nên tốt hơn.
  • Lịch sử du nhập cây cà phê vào Việt Nam
    Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi các định chế bao cấp, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo), đưa nước ta lên vị trí thứ 2 của bản đồ cà phê thế giới.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bất ngờ phát hiện tàu cổ 700 tuổi còn nguyên vẹn dưới lòng thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO