Nhầm lẫn quyền riêng tư và bí mật
Trong quan hệ tình cảm, quyền riêng tư và bí mật không thể đánh đồng với nhau. Cụ thể, các cá nhân có quyền riêng tư trong một mối quan hệ nếu chủ đề họ giữ kín không ảnh hưởng tiêu cực đến đối tác của họ.
Điều đó chứng tỏ ngay cả những bí mật nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ.
Bí mật quan trọng nhất ảnh hưởng đến các cặp đôi là sự không chung thủy, vấn đề tài chính và lạm dụng chất gây nghiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy, kiểu giữ bí mật này là phổ biến và có tính phá hoại.
Các nghiên cứu đã phát hiện, ngoại tình là nguyên nhân gây ra 20 đến 40% các vụ ly hôn ở Hoa Kỳ. Ước tính có khoảng 13 triệu người ở xứ sở cờ hoa đã giấu tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng với người yêu, bạn đời hoặc vợ/chồng đang sống chung.
Mọi người thường giữ bí mật vì sợ rằng đối tác sẽ không còn muốn yêu mình khi biết sự thật. Thực tế, nhiều mối quan hệ đã bị tổn hại nghiêm trọng do người trong cuộc hạn chế giao tiếp cảm xúc và có hành vi lừa dối.
Dưới đây là 5 hậu quả phổ biến của việc giữ bí mật trong mối quan hệ tình cảm.
Tạo rào cản kết nối
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người giữ bí mật cảm thấy ít hài lòng với cuộc sống. Thậm chí họ luôn thấy mệt mỏi, cô đơn, buồn bã và thù hận đối phương.
Tạo ra bầu không khí thiếu tin tưởng
Khi một đối tác cắt đứt niềm tin thì việc xây dựng lại như ban đầu là một thách thức. Sự oán giận và nghi ngờ là điều khó vượt qua.
Đối tác bị lừa dối thường khó tin rằng những bí mật khác không tồn tại hoặc thói quen giữ bí mật sẽ không tiếp tục trong tương lai. Sự trấn an không thể giúp xây dựng niềm tin; nó chỉ xoa dịu nỗi sợ hãi.
Cản trở khả năng giao tiếp
Các cặp đôi giữ bí mật đồng nghĩa với việc cản trở sự giao tiếp với nhau. Điều này có thể tạo ra những cuộc trò chuyện vô nghĩa, cứng nhắc vì phải suy nghĩ quá nhiều để đảm bảo không tiết lộ điều tuyệt mật.
Khi bị nỗi sợ thao túng, đối tác lừa dối có thể ít sẵn sàng tiếp thu hoặc tham gia vào cuộc chuyện trò. Điều này tạo nên cảm giác khó chịu với người bị lừa dối, khiến mối quan hệ giữa họ trở nên rạn nứt.
Lừa dối sinh ra lừa dối
Khi bí mật và sự lừa dối trở thành một phần của mối quan hệ, nó sẽ làm xói mòn nền tảng của lòng tin.
Nếu tình trạng xói mòn này không sớm giải quyết, thì sự lừa dối ban đầu sẽ tiếp tục và ngày càng sâu sắc hơn, hoặc những hành vi lừa dối tiếp theo sẽ xảy ra.
Khi đối tác lừa dối giữ bí mật thành công, họ sẽ tiếp tục nung nấu các hành vi bí mật của mình.
Nguy cơ mắc bệnh về thể chất
Cố gắng giữ bí mật là một gánh nặng gây ra hậu quả trực tiếp đối cơ thể cùng với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và căng thẳng, có thể đi kèm với các triệu chứng xảy ra đồng thời như đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa và khó ngủ.
Trong những trường hợp cực đoan hơn, người giấu bí mật thậm chí có thể tìm đến các chất để làm tê liệt bản thân trước sự khó chịu mà họ gặp phải. Nguy cơ phụ thuộc hoặc lạm dụng chất gây nghiện sẽ càng khiến người giữ bí mật xa lánh bạn đời của họ.
Cách phá vỡ bức tường bí mật
Hãy luôn thẳng thắn, tốt bụng và giàu lòng nhân ái. Tuy nhiên, trước khi nói ra bí mật, hãy đánh giá cẩn thận các tình huống, chẳng hạn như thời gian, địa điểm, trạng thái tinh thần và cảm xúc của đối phương.
Nếu thông tin đó là thứ có thể gây căng thẳng giữa hai người, chẳng hạn như ngoại tình hoặc phá sản, bạn có thể cân nhắc việc nhờ bên thứ ba có mặt, chẳng hạn như người thân đáng tin cậy hoặc nhà trị liệu của cặp đôi.
Mặc dù lúc đầu việc tiết lộ một bí mật có vẻ khó khăn, thậm chí đáng sợ, nhưng cuối cùng thì cảm giác nhẹ nhõm lại có tác động tích cực đến cá nhân và cặp đôi.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người trút bỏ được bí mật sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, chân thực hơn và gần gũi hơn.
Thực hiện sự minh bạch, trung thực và tha thứ là điều cần thiết để duy trì hạnh phúc cá nhân cũng như sự lành mạnh của mối quan hệ.
Theo mindbodygreen.com
Theo Giáo dục và Thời đại