Trong khi đó, tự lập là đức tính rất quan trọng giúp trẻ lớn lên tự tin, thành công và có thể chủ động làm thành công mọi việc mình muốn mà không cần phải dựa dẫm hay phụ thuộc vào người khác. Đây là điều mà mọi phụ huynh đều mong mỏi, do đó, để chuẩn bị cho con em mình một nền tảng tương lai tốt đẹp, dạy trẻ tự lập từ khi còn nhỏ là điều hết sức cần thiết và cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, dạy con tự lập không phải là công việc đơn giản mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng có thể làm được. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số phương pháp hữu ích hỗ trợ bố mẹ dạy con tự lập từ nhỏ hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo:
1. Không giải quyết tất cả rắc rối giúp con
Đây là nguyên tắc dạy con tự lập hàng đầu của người Nhật và ngày càng được phụ huynh đồng tình. Theo đó, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, còn con sẽ tự đánh giá và ra quyết định. Đồng thời, con cũng chính là người chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.
Việc con tự giải quyết những rắc rối giúp bé độc lập tìm ra cách xử lý vấn đề. Điều này buộc trẻ phải tư duy, cân nhắc và chủ động làm các công việc của mình mà không dựa giẫm vào cha mẹ.
Trong một số tình huống, bạn có thể đang vội và tự làm việc sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn là đợi con làm. Tuy nhiên kiểu hành vi này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển tính tự lập của trẻ về lâu dài. Trẻ em học qua thực hành và mắc lỗi, vì vậy điều rất quan trọng là cho trẻ cơ hội tự làm và học tập. Ngoài ra, việc này cũng giúp bồi dưỡng sự tự tin của trẻ.
2. Để con giúp việc nhà
Nhiều người quan niệm con còn nhỏ nên không nỡ bắt làm việc gì, đôi khi chỉ cần con ăn ngoan ngủ ngoan chơi ngoan là tốt lắm rồi, còn lại mọi việc trong nhà đều do bố mẹ đảm nhận. Chính vì vậy trẻ hầu như không phải động chân vào bất cứ công việc nào kể cả việc chung hay việc riêng của bản thân và điều này lại gây nên bất lợi cho bé.
Bởi lẽ, trẻ em có thể học hỏi nhiều điều, những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống từ kinh nghiệm khi làm các công việc gia đình. Chẳng hạn, bé cần tỉ mỉ khi giúp mẹ nhặt rau, cần kiên nhẫn kỹ càng khi lau dọn nhà cửa, cần cẩn thận chỉn chu khi gấp quần áo hay nấu nướng....
Do đó, thay vì bao bọc làm thay con hết mọi việc, cha mẹ hãy giúp con hiểu những gì con cần làm để chăm sóc bản thân, ngôi nhà và gia đình mình. Làm việc nhà cũng cho con cơ hội để cảm thấy có trách nhiệm và hiểu rõ năng lực, khả năng của bản thân. Tất nhiên, không phải công việc nhà nào cũng phù hợp với mọi lứa tuổi và cha mẹ phải có sự cân nhắc để lựa chọn công việc phù hợp trước khi giao hay khuyến khích con làm.
3. Dạy con tự thực hiện những nhu cầu cá nhân
Nghe có vẻ không đúng cho lắm nhưng thực tế hiện nay vẫn có những gia đình con học lớp 1, lớp 2 rồi mà bố mẹ vẫn xúc cơm cho con ăn, tắm gội cho con hằng ngày, thậm chí mặc quần áo, đánh răng... cho con.
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng con cái chậm chạp, lề mề nên làm việc gì cũng lâu, cũng hỏng nên thà rằng họ làm cố giúp con còn hơn để chúng tự làm. Chính điều đó là nguyên nhân lớn tiêu diệt tính tự lập của con, đồng thời khiến trẻ trở nên sống dựa dẫm và ỷ lại. Nguy hiểm hơn, nhiều bé dù lớn lên lớp 4, lớp 5 vẫn chẳng thể tự phục vụ bản thân hay thực hiện nhưng vấn đề cá nhân đến nơi đến chốn.
Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên có định hướng và chỉ dạy con cách tự thực hiện những nhu cầu của bản thân càng sớm càng tốt như dạy con tự ăn, dạy con tự mặc quần áo, dạy con tự đi tắm và vệ sinh cá nhân... Điều này vừa giúp con tự lập và trưởng thành hơn, vừa là cơ hội để bố mẹ có những đứa con tự tin và năng động trong tương lai.
4. Cho phép con đưa ra những quyết định
Ra quyết định là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ cần có để trưởng thành chín chắn, lành mạnh. Chính vì vậy mà ở Nhật Bản – đất đước nổi tiếng với những phương pháp dạy dỗ con khoa học và hiệu quả, phụ huynh luôn khuyến khích con tự quyết định những công việc cá nhân của mình. nên dễ dàng hơn với bạn.
Cụ thể, trẻ có thể tự quyết định học gì, ăn gì, chơi gì, mặc gì mà không phụ thuộc vào cha mẹ. Nếu bạn và con đến siêu thị, con muốn mua tất cả đồ ăn vặt, bạn có thể nói với con rằng con không thể có được tất cả mọi thứ, nhưng con có quyền lựa chọn giữa kẹo, nước ngọt hoặc bim bim...
Dĩ nhiên các quyết định của trẻ vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Khi cần thiết, cha mẹ cũng có thể điều hướng hoặc đưa ra lời khuyên cho các quyết định của trẻ. Tất cả những điều đó không chỉ rèn luyện tính tự lập mà còn giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng, tập bày tỏ ý kiến và khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
5. Cho con nuôi thú cưng
Theo các chuyên gia, thú cưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên nhiều bố mẹ lại cảm thấy phiền phức và sẵn sàng cấm cản khi các bé bày tỏ mong muốn nuôi thú cưng. Trong khi đó họ lại không nhận thấy rằng đây cũng là một phương pháp hay để dạy con mình tính tự lập hiệu quả.
Ví dụ, nếu con muốn nuôi thú cưng thì trước hết con phải biết cách chăm sóc nó như thế nào và khi nuôi rồi, con phải hiểu tất cả các trách nhiệm liên quan như phải tự cho nó ăn hàng ngày, dẫn nó vệ sinh, nhốt nó lại khi cần thiết....
Như vậy, nuôi thú cưng cũng là cách tốt để trẻ thực hành vai trò của người chăm sóc. Hơn nữa, khi chơi với thú cưng, trẻ cũng có thể cải thiện kỹ năng xã hội và củng cố lòng tự trọng của bản thân.
6. Dạy con tự lập qua những lời khen
Đây là một trong những cách dạy con được người Nhật đánh giá cao. Cụ thể, cha mẹ luôn hạn chế việc chỉ trích và phê bình mà thường xuyên sử dụng những lời khen. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc giáo dục con bằng ngôn từ mang tính miệt thị không đem lại hiệu quả như mong đợi. Những lời lẽ chỉ trích sẽ khiến trẻ trở nên thiếu tự tin, rụt rè, thui chột tiềm năng vốn có.
Hãy thường xuyên khen khi trẻ làm việc tốt. Điều này sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện những việc làm đó. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành những thói quen tốt, tự giác và tự lập hơn.
7. Kiên nhẫn và không chỉ trích cố gắng của con
Khi bạn làm việc gì đó lần đầu tiên, bạn có thể mắc lỗi sai và phải cố gắng nhiều lần cho đến khi đạt được điều mình muốn. Trẻ em cũng vậy, chẳng thể yêu cầu trẻ làm tốt việc gì đó ngay từ lần đầu hoặc nhất định phải thành công sau 2-3 lần tập dượt. Khi làm việc gì trẻ cũng cần thời gian thích nghi và làm quen, có trẻ học nhanh làm nhanh nhưng nhiều trẻ lại chậm hơn lâu hơn.
Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải kiên nhẫn với con và thay vì vội vàng chỉ trích chúng. Việc chỉ trích và sửa sai liên tục sẽ chỉ khiến trẻ hình thành một hình ảnh xấu về bản thân và cảm thấy không có khả năng. Lời khen kịp thời và đúng mực có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao lòng tự trọng, tính tự lập, tự tin và trưởng thành của trẻ.
Theo V.K - Vietnamnet