Trong số những cái tên nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại, nữ nhà văn người Nga Lyudmila Ulitskaya (80 tuổi) được nhắc đến nhiều. Bà có những tác phẩm tiểu thuyết khai thác đời sống và những mối quan hệ cá nhân nhưng lại phản ánh những câu chuyện lớn của lịch sử và tôn giáo.
Nhà văn người Anh Salman Rushdie (76 tuổi) cũng được đánh giá là một tác giả có nhiều tiềm năng. Ông Rushdie đã sống sót sau khi bị tấn công trọng thương bằng dao hồi năm ngoái, khi ông đang tham dự một sự kiện để chia sẻ với khán giả về chủ đề văn chương.
Trong nhiều năm, nhà văn Rushdie đã phải sống ẩn dật vì cuốn tiểu thuyết The Satanic Verses (tạm dịch: Những vần thơ của quỷ Satan), đây là một tác phẩm gây nên tranh cãi đối với các tín đồ đạo Hồi tại Iran kể từ khi tác phẩm ra mắt hồi năm 1988. Một làn sóng giận dữ đã dấy lên vì cho rằng tác phẩm của ông Salman Rushdie có những sáng tạo quá trớn, báng bổ tôn giáo.
Nếu lựa chọn những cái tên như Lyudmila Ulitskaya hay Salman Rushdie, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã lựa chọn những tác giả đề cao sự tự do trong cách thức biểu đạt và sáng tạo văn chương. Một lựa chọn như vậy sẽ được đánh giá là rất táo bạo, cho thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra quyết định tách rời khỏi những vấn đề thời sự và những câu chuyện bên ngoài văn học.
Dù vậy, lựa chọn mà Viện Hàn lâm Thụy Điển thường đưa ra từ trước đến nay là trao giải cho những tác giả ít được số đông công chúng yêu văn chương trên thế giới biết đến.
Ở thời điểm này, nữ nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết (70 tuổi) đang được nhắc tới nhiều. Trong giới văn chương ở quê nhà, nhà văn Tàn Tuyết được biết tới như một cây bút sáng tạo táo bạo, đi tiên phong với những thể nghiệm mới mẻ trong văn chương.
Thực tế, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã từng bị chỉ trích vì trao giải cho nhiều nam nhà văn là người da trắng sống tại các quốc gia phương Tây. Trong nỗ lực để giải thưởng trở nên gần gũi hơn đối với giới văn chương và công chúng quốc tế, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhiều khả năng sẽ đưa ra lựa chọn có yếu tố bất ngờ.
Sau khi trải qua một số lùm xùm hồi năm 2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã rất nỗ lực để hoạt động trao giải tạo nên hiệu ứng tốt trong giới văn chương quốc tế.
Năm ngoái, giải thưởng Nobel Văn học đã được trao cho nữ nhà văn có nhiều tác phẩm xoay quanh phụ nữ - bà Annie Ernaux. Năm 2021, giải thưởng được trao cho nhà văn người Anh gốc Tanzania - ông Abdulrazak Gurnah. Ông Gurnah có những tác phẩm khai thác đề tài về người xa xứ, sự phân biệt chủng tộc và những hệ lụy của chủ nghĩa thực dân.
Trong những năm gần đây, cách bình chọn và trao giải Nobel Văn học cho thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nỗ lực thay đổi, làm mới giải thưởng. Mục đích là để phản ánh sự bình đẳng giữa các nền văn chương, cũng như để tôn vinh các tác giả có những tác phẩm phản ánh được vấn đề của thời đại.
Hiện tại, các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển - những người làm nhiệm vụ bình chọn ra chủ nhân của giải Nobel Văn học - đều là những nhà văn, nhà sử học, nhà triết học, nhà ngôn ngữ học... Nhiều người trong số họ đã có những hoạt động cổ vũ cho quyền tự do biểu đạt và quyền bình đẳng.
Vì vậy, việc dự đoán chủ nhân của giải Nobel Văn học trong những năm gần đây càng trở nên khó khăn hơn, do tính chất khó đoán của hoạt động đưa ra danh sách đề cử và bình chọn người thắng giải.
Những cái tên vẫn thường nhận được nhiều kỳ vọng qua các mùa trao giải Nobel Văn học như nhà văn người Nhật Haruki Murakami, nhà văn người Kenya Ngugi wa Thiong'o, hay nhà văn người Canada Margaret Atwood... vẫn đang tiếp tục được nhiều chuyên trang văn học đề cập tới. Dù vậy, hoạt động dự đoán về cái tên sẽ được xướng lên đã dần trở nên mất sức hấp dẫn qua thời gian.
Để giải thưởng trở nên cập nhật hơn, phản ánh được sự đa dạng trong thế giới văn chương đương đại, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tìm kiếm sự tư vấn từ cả những chuyên gia không phải là thành viên của viện.
Động thái này được thực hiện để Viện Hàn lâm Thụy Điển có cái nhìn khái quát hơn về văn đàn thế giới, về nền văn chương ở những quốc gia vốn chưa được nhắc tới nhiều trong văn đàn quốc tế.
Chính những sự đổi thay này đã khiến việc dự đoán về cái tên thắng giải càng trở nên khó hơn. Vì vậy, quá trình chờ đợi tới thời điểm chính thức xướng tên chủ nhân của giải Nobel Văn học càng gây phấn khích, hồi hộp trong cộng đồng yêu văn chương quốc tế.