Bất động sản mới nhất: Sau sốt đất Hà Nội, cắt lỗ ở đâu; chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng

03/08/2021 08:19

Baoquocte.vn. Sau sốt đất, nhiều nhà đầu tư đã đẩy hàng cắt lỗ; xuất hiện chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng giữa đại dịch … là những tin bất động sản mới nhất.

Bất động sản, sốt đất. (Nguồn: Dân trí)
Bất động sản mới nhất: Sau sốt đất, nhiều nhà đầu tư đẩy hàng cắt lỗ… (Nguồn: Dân trí)

Đất 'sốt' một thời, cắt lỗ ở đâu?

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường.

Với phân khúc đất nền, liền kề, lượng giao dịch thấp chủ yếu ở các địa phương tại Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên… một phần do giá còn ở mức cao, một phần do dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến nay chưa có điểm dừng.

Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng. Ngoài ra, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp.

Bên cạnh đó, giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, theo Hội môi giới, dù vậy cũng không xuất hiện giao dịch thực.

Nhiều chủ khách sạn bán tháo

Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài giảm mạnh, kéo theo đó, các khách sạn cũng lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ buộc phải đóng cửa, thậm chí rao bán.

Khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, các tin rao bán khách sạn bắt đầu xuất hiện từ giữa đợt Covid-19 thứ hai và chỉ tại một số tuyến đường thuộc trung tâm TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

Tuy nhiên, sau lần bùng dịch thứ 4, các thủ phủ du lịch và thành phố biển như: Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng đua nhau rao bán. Mỗi ngày, trên các trang tin có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, anh Trần Hoàng Lâm - chủ một khách sạn - chia sẻ thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, anh buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.

Khách sạn của anh có diện tích 374 m2 với 65 phòng và được rao bán với giá khoảng 254 tỷ đồng. Mặc dù đã nhận được nhiều cuộc gọi trả giá nhưng vẫn chưa có khách đặt cọc.

Giữa đại dịch, doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng

Theo Vnexpress, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động của thị trường bị chặn đứng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí không cầm cự nổi, song các đại gia ngành này vẫn báo lãi khủng.

Nhiều công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán công bố lợi nhuận quý II tăng mạnh, đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có đơn vị lãi ròng cả chục nghìn tỷ đồng trong những tháng dịch bệnh bùng phát.

Có thể kể đến, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) công bố các chỉ số kinh doanh tăng trưởng mạnh giữa đợt dịch lần thứ tư. Tổng doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp quý II đạt gần 7.097 tỷ đồng, tăng gần 282% so với cùng kỳ năm 2020.

Hay với Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) công bố tổng doanh thu thuần hợp nhất quý II của doanh nghiệp đạt hơn 28.700 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt hơn 13.200 tỷ đồng, lãi ròng hơn 10.300 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 400,8 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 6 tháng đầu năm, NLG đạt lãi sau thuế hơn 412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) quý vừa qua có doanh thu thuần 3.563 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 298 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 555 tỷ đồng.

Làn sóng báo lãi của các công ty bất động sản niêm yết cho thấy nghịch lý đang diễn ra xét trên tương quan môi trường kinh doanh kém (do tác động đại dịch) nhưng kết quả kinh doanh lại rất tốt, doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2020.

Theo đại diện một doanh nghiệp, nghịch lý địa ốc lãi khủng mùa dịch chỉ thật sự xảy ra đối với nhóm doanh nghiệp có sức khỏe tài chính nằm trong top đầu của thị trường.

Khu đô thị Vinhomes Đại An Hưng Yên. (Nguồn: VH)
Khu đô thị Vinhomes Đại An Hưng Yên. (Nguồn: VH)

Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát dự án vườn thú Safari

Dự án Vườn thú hoang dã Safari đã bị chấm dứt hoạt động từ năm 2016, hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở ngành rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc này.

Đây là dự án do Công ty CP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu - Việt Nam (liên doanh Việt Nam và Hongkong, Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án nói trên.

Các cơ quan phải có ý kiến về việc trước và sau khi chấm dứt chủ trương đầu tư, cơ sở pháp lý của dự án có đảm bảo theo quy định của pháp luật hay không? Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/8/2021.

Được biết, dự án này có quy mô ban đầu 535ha, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Đến năm 2009, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án có mục tiêu thiết kế, phát triển, quản lý vườn thú và đầu tư khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, suốt 7 năm sau đó chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án. Do đó, vào năm 2016 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định chấm dứt hoạt động dự án.

Được quy hoạch để trở thành dự án du lịch trọng điểm của Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu năm 2020 UBND tỉnh đã kêu gọi và có 8 nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, có 3 nhà đầu tư đã báo cáo phương án đầu tư.

Tháng 8/2020, Sở Du lịch tỉnh đã có báo cáo dự thảo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Bất động sản mới nhất: Sau sốt đất, cắt lỗ ở đâu; chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng
hoang dã Safari Vũng Tàu đã bị chấm dứt hoạt động từ năm 2016. (Nguồn: Vietnamnet)

Cách tính chi phí chuyển đất vườn sang đất ở?

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, khi chuyển từ đất vườn sang đất ở có thể xảy ra 2 trường hợp và tiền sử dụng đất ở mỗi trường hợp là khác nhau.

Trường hợp 1: Chuyển từ đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp sau:

- Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai 2013 sang làm đất ở.

- Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01.7.2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp).

Trường hợp 2: Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở

Nếu đất vườn là đất trồng cây hàng năm hoặc cây lâu năm thì tiền sử dụng đất được tính theo Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

Khi hộ gia đình, cá nhân chuyển đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì số tiền phải nộp xác định như sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản mới nhất: Sau sốt đất Hà Nội, cắt lỗ ở đâu; chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO