Bất động sản mới nhất: Nhiều khách sạn tại các khu du lịch được rao bán, dù giá đã giảm rất nhiều nhưng vẫn không có giao dịch. (Nguồn: BKH) |
Kiệt sức chống chịu, rao bán khách sạn tràn lan
Theo Tiền phong, dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến ngành du lịch kiệt quệ. Tại Hà Nội, TPHCM dễ dàng bắt gặp những biển rao bán khách sạn giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng/khách sạn.
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng ghi nhận trên những tuyến phố sầm uất của Hà Nội, thấy tuy giá phòng thuê khách sạn đã giảm kịch sàn song lượng khách đặt phòng rất ít hoặc gần như không có.
Trên trang Facebook của Công ty Thiên Minh đăng thông tin chào bán gần 20 khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến gần 1.000 tỷ đồng tại TPHCM. Được biết, công ty có danh sách và thông tin tất cả khách sạn đang cần bán ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng, Bùi Viện, Lý Tự Trọng, Thi Sách...
Đây là điều chưa từng xảy ra, vì ở những tuyến đường như Bùi Thị Xuân… trước năm 2020 gần như không có nhà nào được rao bán ra thị trường.
Một chủ khách sạn ở thành phố Nha Trang cũng rao bán khách sạn ở số 100 Trần Phú với giá 245 tỷ đồng. Theo chủ khách sạn này, việc rao bán là bất đắc dĩ, vì với giá 245 tỷ đồng, anh đã chịu lỗ rất nhiều so với vốn đầu tư ban đầu.
Không chỉ các khách sạn từ Bắc tới Nam, các homestay, nhà cổ cũng được rao bán rất nhiều.
Theo batdongsan.com, số lượng thông tin rao bán khách sạn tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, kênh thông tin này không thể xác định được các giao dịch đã đi đến bước nào và có thành công hay không, do không tham gia vào quá trình tương tác giữa bên mua và bán.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, chuyên gia lĩnh vực mua bán, sáp nhập cho biết, nhiều kế hoạch kinh doanh, đầu tư của chủ sở hữu khách sạn trong năm 2021 bị đổ bể do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19.
“Hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, họ mong chờ khá nhiều vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán vì không còn chịu đựng được nữa”, ông Cần nói.
Ông Cần nói thêm, “giá bán trên toàn thị trường nhìn chung giảm 20-25% so với năm 2019. Nhiều trường hợp khách sạn có giá dưới 100 tỷ đồng phải giảm đến 30%”.
Địa ốc cho thuê điêu đứng vì làn sóng Covid-19 mới
Làn sóng dịch Covid-19 lần này khiến thị trường BĐS cho thuê chưa hồi phục lại tiếp tục khủng hoảng. Công nhân nghỉ việc, thất nghiệp về quê khiến phân khúc này càng gặp khó khăn hơn.
Nếu quý I/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường BĐS, thì đến giữa quý II, làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, khiến thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc cho thuê "khó chồng khó".
Tại một số phố lớn ở Hà Nội, giá căn hộ cho thuê hiện đã giảm 4% so với quý trước đó và giảm 11% so với quý II/2020. Mức giảm còn có thể tiếp tục nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam về BĐS văn phòng cho thuê trong nửa đầu năm nay, giá thuê trung bình đạt 21 USD/m2/tháng (tương đương hơn 480.000 đồng/m2), tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên, công suất thuê lại giảm 4% so với năm 2020, đạt khoảng 90%.
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, giá thuê căn hộ dịch vụ hiện giảm 8% theo năm, xuống còn 24 USD/m2/tháng (tương đương hơn 550.000 đồng/m2/tháng). Trong vòng 5 năm trở lại, quận Cầu Giấy duy trì mức giá thuê cao nhất, đạt 32 USD/m2/tháng vào nửa đầu năm nay.
Không kỳ vọng vào một gam màu sáng cho thị trường BĐS phân khúc cho thuê trong thời gian tới khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, 6 tháng cuối năm nay, thị trường BĐS sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt phân khúc cho thuê tiếp tục thiếu thanh khoản.
Không ít chuyên gia trong ngành địa ốc cũng đưa ra dự báo, phân khúc BĐS cho thuê có thể sẽ còn bất động cho tới khi nào chiến dịch phổ cập vắc xin được hoàn thành, đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi. Như vậy, dự kiến ít nhất một năm nữa, tức là quý II/2022, lĩnh vực này mới có khả năng hồi phục.
Trong khi đó, phía Savills đưa ra dự báo, phải đến đầu năm 2023, thị trường này mới có thể hồi phục hoàn toàn tùy theo tiến độ tiêm chủng vắc xin toàn cầu.
Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 và 1994, một số ít xây trước 1954. (Nguồn: DT) |
Hà Nội mạnh tay chi số tiền lớn để tổng rà soát, kiểm định chung cư cũ
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 và 1994, một số ít xây trước 1954.
Các chung cư này tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện nay Hà Nội đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200-300 nhà.
Theo UBND TP Hà Nội, diện tích căn hộ chung cư này thường nhỏ dưới 30 m2 hoặc 30-50 m2/căn; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng, nhiều hộ tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian. Đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Trong đó, thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Về việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ quy định 3 hình thức lựa chọn, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở).
Ngoài ra, Thành phố sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.
Những loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm không quá 50 năm
Đất có thời hạn sử dụng 50 năm
Khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm, bao gồm:
- Đất trồng cây hàng năm.
- Đất nuôi trồng thủy sản.
- Đất làm muối.
- Đất trồng cây lâu năm.
- Đất rừng sản xuất.
- Giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
- Đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng.
Đồng thời, đối với loại đất có thời hạn sử dụng là 50 năm, khi hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nhu cầu thì vẫn được tiếp tục sử dụng với thời hạn là 50 năm.
Đất có thời hạn sử dụng không quá 50 năm
Căn cứ vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai 2013, đất có thời hạn sử dụng không quá 50 năm bao gồm 2 nhóm, đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuê và đất được Nhà nước giao, cho thuê theo dự án, cụ thể:
- Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.
- Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Đối với loại đất này, khi hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá 50 năm.