Sau một thời gian gây “sốt” tại nhiều địa nơi, đến thời điểm này thị trường bất động sản đã dần “hạ nhiệt”. Tại một số khu vực trước đây giá đất tăng hàng ngày, nay giảm sâu và dần lộ diện những chiêu trò của “cò” bất động sản.
Đầu năm nay, sau khi Hà Nội công bố quy hoạch các dự án ven sông Hồng, 14 cây cầu bắc qua sông Đuống và sông Hồng, trong đó 4 cây cầu sẽ được triển khai sớm là cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Giang Biên và cầu Đuống, đã xảy ra cơn sốt bất động sản tại những khu vực này.
Dự án cầu Giang Biên nối từ đường vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy đến xã Ninh Hiệp, Bắc Ninh, có chiều dài thân cầu khoảng 2.200m, từ phường Giang Biên, quận Long Biên qua xã Dương Hà, huyện Gia Lâm. Cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa biết đến bao giờ mới được thi công.
Nhưng vào lúc cao điểm, bất động sản tại khu vực xã Dương Hà, đã được các “cò” môi giới bất động sản thổi giá chóng mặt, đi đến đâu người dân cũng chỉ bàn tán về bất động sản, tờ rơi chào mời mua bán đất được dán khắp nơi.
“Tôi cũng chỉ định đầu tư “lướt sóng” mua mảnh đất đúng lúc giá lên đến 40 triệu đồng/m2 hi vọng đầu tư kiếm lời, nhưng nay muốn bán 30 triệu đồng/m2 cũng không được, cũng là bài học kinh nghiệm khi đầu tư sau này”, một người đầu tư đất ở xã Dương Hà cho biết.
“Cò” bất động sản hiện đang là một nghề làm ăn khá béo bở, chẳng phải bỏ vốn nhưng vẫn kiếm cả đống lời. Đơn giản chỉ là môi giới ăn phần trăm. “Ví dụ anh chị chào giá mốc 12 tỷ, chúng em chỉ lấy 3% khi chốt giá cuối cùng vì còn phải chia phần trăm với nhau, không như các “cò’” khác chúng em vẫn làm thế”, một “cò” đất tiết lộ.
Với chiêu trò bán hàng kiểu đa cấp, “cò” ký hợp đồng đặt cọc mua nhà của người cần bán, hẹn sẽ làm thủ tục sau 30 ngày, sau đó thông tin rao bán nhà được đăng tải trên hệ thống của “cò”. Từ thông tin ban đầu, các “cò” thứ cấp cũng đăng trên hệ thống rao bán căn nhà của “cò” cấp 1, nhưng đã cài thêm vài ba giá và các “cò” thứ cấp tiếp theo cũng nâng thêm vài giá.
Cứ thế chỉ trong vài ngày, căn nhà được rao bán có giá “ ảo” lên tới gấp 1,5 giá ban đầu. Đến người chủ của căn nhà cần bán cũng chóng mặt khi nghe thông tin chính căn nhà của mình đang rao bán có giá trên trời. Bản chất câu chuyện nằm ở chỗ, sau 1 tháng nếu “cò” không bán được nhà, hợp đồng đặt cọc chấm dứt. Theo đó, người mua sẽ phải mất tiền đặt cọc, tuy nhiên không có gia chủ nào dám “ăn” tiền đặt cọc của “cò”.
“Giữa chủ nhà với “cò” đất nếu gặp những ông làm không chính thống nhiều khi gặp “bùng chạt”. Nhiều khi chủ nhà phải biết nếu không đặt cọc rồi có khi lại bị đánh tháo ngay và nói chung là nhiều chiều trò…”, một “cò” đất xin phép không nêu tên cho hay.
Trên thực tế, thời gian gần đây giá bất động sản tại khu vực Gia Lâm và Long Biên, Hà Nội cũng có khu vực tăng lên thực sự, nhưng chủ yếu là tại những khu vực dân cư trong và xung quanh dự án đã hoàn thiện như Vinhome Ocean Park… Giá đất tại đây tăng là do hạ tầng giao thông đã được kết nối thuận tiện với trung tâm Hà Nội và khu vực xung quanh.
Qua thực hiện làm dịch vụ thủ tục mua bán nhà đất, ông Nguyễn Thuận Tiến, Trưởng Văn phòng Công chứng Việt Hưng cho biết, các giao dịch về bất động sản cũng tăng khoảng 40% so với trước, nhưng chủ yếu là vào các phường có khu dự án đã quy hoạch hoàn chỉnh, quỹ đất nhiều.
Trong lúc nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu tư thương mại, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán không ổn định, xu hướng nhà đầu tư tìm đến thị trường bất động sản, giá đất theo đó cũng tăng lên. Lợi dụng xu hướng này, các “cò” bất động sản đã tung ra các chiêu trò thổi giá để trục lợi. Cùng với đăng tải các thông tin ảo về giá thị trường bất động sản lên các trang mạng, tập đoàn “cò” còn tung người đi khắp nơi tạo ra các giao dịch giả, đánh vào tâm lý các nhà đầu tư.
Sau một thời gian, việc đầu tư “lướt sóng” bất động sản không có lãi, thị trường đang chững lại, sẽ lộ dần thủ đoạn thổi giá của “cò” bất động sản. Hệ lụy khiến những nhà đầu tư theo “làn sóng sốt đất ảo” sẽ là người luôn phải chịu thiệt thòi./.