Người dân mong được hướng dẫn
Việc phát triển tự phát hàng loạt các khu du lịch, checkin, nhà hàng… phục vụ du khách khi đến tận hưởng khung cảnh thơ mộng của miền núi TP. Đà Nẵng đã gây ra không ít hệ luỵ như ô nhiễm tiếng ồn, mất trật tự an ninh, “cò đất” lũ lượt kéo về đẩy giá đất lên cao….
Ông Bùi Đức Vũ, chủ khu sinh thái Yên Retreat (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang) thu hút rất đông khách vào mỗi dịp cuối tuần cho biết, bản thân biết khu du lịch của mình đang làm trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng bất khả kháng vẫn phải xây dựng một số hạng mục bằng bê tông để hạn chế tác động của thiên tai, lũ lụt. Ông Vũ cũng mong muốn chính quyền sớm rà soát, quy hoạch lại và hướng dẫn người dân để hoạt động khai thác du lịch tại địa phương được bài bản hơn.
“Khi đi vào hoạt động thì chính quyền địa phương cũng xuống nhắc nhở. Tôi nhận thấy cần rà soát, quy hoạch bài bản lại các điểm du lịch với các tiêu chí, nếu khu nào đáp ứng được yêu cầu thì chính quyền cần có hướng dẫn đầy đủ về mặt pháp lý bởi các du lịch trên Hoà Bắc đều gắn với đất nông nghiệp.”- ông Vũ chia sẻ.
Trước đó, ngày 17/12/2021, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 82 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, phải là đất đang sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thuần túy, không có đất ở. Công trình lắp dựng trong mô hình phải là vật liệu hữu cơ, thô sơ, có thể tháo lắp dễ dàng, không hủy hoại môi trường.
Đến thời điểm này, đã có 35 mô hình khu du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp nộp hồ sơ đề nghị tham gia mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Thế nhưng, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang TP. Đà Nẵng cho biết địa phương sẽ căn cứ xem xét rất kỹ chứ không triển khai rộng rãi mà chỉ thực hiện thí điểm từ 3-5 mô hình.
“Trước khi triển khai nghị quyết của Thành phố, trên địa bàn đã tồn tại 8 mô hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, thường trực huyện đang rà soát để có hướng xử lý các trường hợp này. Sẽ có rất nhiều tiêu chí như mật độ, cơ sở hạ tầng, yếu tố môi trường…. nếu không đáp ứng sẽ bị tháo dỡ ngay.” – ông Khoa cho hay.
Sẽ rà soát và chấn chỉnh các vi phạm trên đất
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, hiện nay lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao Thanh tra TP thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Nghị quyết thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang mới chỉ được thực hiện thí điểm, không rộng rãi do chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể theo đúng Luật đất đai.
Do vậy, người dân cần nắm bắt các chủ trương của thành phố chứ không nên đầu tư vào đất nông nghiệp để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” còn dẫn đến hoạt động trái phép. Khi phát hiện thành phố sẽ xử lý buộc tháo dỡ, khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu theo đúng quy định của đất đai.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng không có chủ trương giao lại đất hoặc cấp GCN lần đầu đối với đất nông nghiệp. Do đó, nay chỉ xem xét, cấp GCN đất nông nghiệp với những trường hợp có kê khai, đăng ký theo Nghị định số 64- CP nhưng tại thời điểm đó chưa được cấp GCN. Còn những trường hợp khác (đặc biệt là những trường hợp có hành vi lấn chiếm đất công), sẽ xử lý theo quy định.
Đồng thời, ông Vinh cũng khuyến cáo, người dân khi thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp cần nắm rõ các quy định về nguồn gốc pháp lý của đất. Đối với trường hợp giao khoán rừng thì không thuộc đối tượng được phép chuyển nhượng, viết tay. Ông Vinh lưu ý, trong quá trình giao dịch, nếu những trường hợp chuyển nhượng đất rừng trong đó có 400 m2 đất ở thì đây là đất chưa hợp pháp. Vì không có quy định nào mà cho phép trong một khu vực rừng có vài ba hec- ta lại có đất ở trong đó như thế.
Thực tế, diện tích đất nông nghiệp nói chung và đất rừng chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái phép ở Hoà Vang rất lớn, vượt con số mà địa phương báo cáo. Bởi vậy, UBND TP. Đà Nẵng cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt kiểm tra, rà soát, thống kê chính xác về số hộ, cá nhân, tổ chức đã chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất rừng, hiện trạng các diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đã giao; đẩy nhanh công tác cấp GCNQSD đất rừng; chỉ đạo các cơ quan rà soát vi phạm của các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép mục đích đất; đồng thời có hướng tháo gỡ cho những trường hợp vi phạm nhưng có động cơ, mục đích chân chính. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có nhận thức đúng về pháp luật đất đai đồng thời phát triển kinh tế địa phương.