Trăm kiểu “hô biến”
Xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế về cảnh quan sông suối, núi rừng. Tận dụng lợi thế này, nhiều khu du lịch sinh thái đã được “dựng lên” thu hút người dân và du khách đến tham quan rất đông. Về xã miền núi Hoà Bắc bây giờ, thay vì đi đâu cũng thấy những vạt mía, những cánh đồng trồng ngô, đậu… thì nay, các khu du lịch sinh thái, quán cà phê hình thành khắp nơi. Đây sẽ là một nguồn lực để phát triển kinh tế của xã miền núi còn nhiều khó khăn như Hoà Bắc nếu như không có chuyện hầu hết các khu du lịch sinh thái này đều trái phép xây dựng trên đất nông nghiệp (thuần tuý).
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng địa bàn thôn Nam Yên (xã Hoà Bắc) đã có 6 khu du lịch trái phép được xây dựng với các lều sạp, trang trí tiểu cảnh phục vụ việc tổ chức sinh hoạt, vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú làm thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp. Có thể kể đến như: Khu du lịch sinh thái Yên Retreat, Làng Mê, Làng Nguồn, cà phê Tiệm Nhà Đô, Ecolodge… được xây dựng trái phép trên hàng chục ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn các thôn Lộc Mỹ, Tà Lang và dọc hai bên bờ sông Cu Đê cũng có hàng loạt các lều trại tạm dã ngoại xây dựng trên đất nông nghiệp vi phạm pháp luật đất đai.
Đi sâu hơn nữa vào khu vực đất lâm nghiệp, chúng tôi cũng ghi nhận trên địa bàn xã Hoà Bắc còn nhiều nhà vườn, khu du lịch sinh thái đang được xây dựng trên đất rừng, trong đó còn có cả những căn nhà bê tông kiên cố. Ngoài một số công trình kiên cố trên đất rừng do hệ luỵ từ lịch sử để lại như hộ ông Hoàng Đô, còn có cả những công trình trái phép mới được hình thành tại khu vực rừng thôn Nam Yên từ cầu Đôi nghẹo trái theo hướng đường bê tông từ UBND xã hướng về trung tâm TP.
Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc cho biết, địa phương là xã nghèo nên người dân tự phát làm du lịch, cán bộ địa chính không thể mạnh tay. Từ đầu năm, địa phương đã xử phạt 13 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, trong đó 52 trường hợp vi phạm về lưu trú. Cứ đến tầm 6-7h chiều là đội quản lý trật tự đô thị của xã ra quân nhắc nhở người dân và du khách giải tán không được lưu trú qua đêm. Thế nhưng thực tế, về ban đêm tại các khu du lịch sinh thái điện đèn, tiếng nhạc xập xình, người dân vui chơi, ca hát vui nhộn cả một vùng trời.
Tại công văn của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng gửi Thường trực HĐND, UBND huyện Hoà Vang cũng ghi nhận tình trạng xây dựng công trình trái quy định trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép; diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều do sản xuất kém hiệu quả; hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa đúng đối tượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ… tại địa bàn xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang còn nhiều bất cập.
Đất lâm nghiệp bị chuyển nhượng “chui”
Không chỉ vi phạm trên đất nông nghiệp, kể cả đối với đất lâm nghiệp, nạn chuyển nhượng “chui” quyền sử dụng, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng đang diễn ra sôi nổi. Tại các xã Hoà Nhơn, Hoà Phú– địa phương có tổng diện tích đất rừng sản xuất và phòng hộ khá lớn, nhiều đại gia cũng tranh thủ cơ hội về đây “gom” đất rồi chuyển đổi xây dựng trang trại, nhà vườn trái phép.
Theo chân địa chính xã Hoà Nhơn, chúng tôi đi vào nhiều khu vực trang trại, nhà vườn trái phép trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Điển hình như trang trại của ông Nguyễn Văn A ở thôn Diêu Phong, xã Hoà Nhơn có tường rào, cổng ngõ khang trang, bên trong còn có nhà bê tông kiên cố với nhiều cây cổ thụ đã được trồng lên. Được biết ông A không phải là người dân địa phương nhưng vẫn mua được đất rừng để làm trang trại và đã bị xử phạt mới với 4.000.000 đồng, buộc tháo dỡ và và phục hồi lại nguyên hiện trạng đất rừng. Mặc dù văn bản xử phạt từ tháng 7/2021, nhưng đến nay ông A vẫn không chịu tháo dỡ, phục hồi nguyên trạng đất.
Theo thống kê của UBND xã Hoà Nhơn, thời gian qua địa phương đã tiến hành xử phạt 2 trường hợp vi phạm làm trang trại trái phép trên đất rừng. Theo ông Trần Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Hoà Nhơn, việc người dân chuyển nhượng đất rừng trên địa bàn xã thời gian qua là có thật. Cái khó ở đây là việc người dân mua bán chỉ thực hiện qua hình thức viết giấy tay hoặc công chứng ủy quyền, nên chính quyền địa phương không ngăn chặn, xử lý được. Bên cạnh đó, địa phương vẫn còn tồn tại những trang trại làm cách đây 20 năm do yếu tố lịch sử để lại.
Một vi phạm trong quản lý đất lâm nghiệp tại huyện Hoà Vang do lịch sử để lại nữa là tình trạng hàng trăm sổ đỏ cho phép chuyển đổi 400 m2 mục đích đất lâm nghiệp sang đất ở trong thửa đất rừng không đúng quy định. Rất nhiều thửa đất ở nằm giữa rừng sản xuất, hiện trạng không có lối vào. Với những trường hợp này địa phương vẫn đang loay hoay tìm lối gỡ, nhiều trường hợp vì đã chuyển nhượng qua nhiều chủ, nên không thể thu hồi bởi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
“Người ta có GCNQSDĐ thì họ qua Phòng công chứng tư nhân làm, địa phương không xác nhận gì, còn với đất không có bìa đỏ của nhà nước quản lý, người dân khai hoang sản xuất hàng chục năm nay, họ sang nhượng bằng cách viết tay không thể xác định được đối tượng. Chỉ có cách đi kiểm tra trực tiếp mới biết là đã chuyển nhượng. Địa phương cũng tăng cường kiểm tra, tuần tra để phát hiện kịp thời và xử lý các trường hợp vi phạm” – ông Thu cho biết.
Đồng ý các khu du lịch sinh thái, trang trại sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho người dân cũng như bộ mặt kinh tế của địa phương nhưng không phải vì thế mà bất chấp các quy định của pháp luật. Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương? Phải chăng chính cán bộ cũng lúng túng với các quy định hay cố tình buông lỏng trách nhiệm thậm chí tiếp tay cho các sai phạm?
Bài 2: Chính quyền xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý?