Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV sáng 29/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Một số ý kiến nhất trí về quy định các loại giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mục tiêu chính của việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản là nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó là bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thường là bên yếu thế trong quan hệ giao dịch với chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thông qua sàn giao dịch bất động sản, có thể thu thập thông tin, dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản không bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu nêu trên.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới bất động sản, chưa thực hiện hết chức năng của mình như: báo cáo thông tin về tình hình giao dịch bất động sản, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm bất động sản trước khi đưa vào giao dịch…
Các sàn giao dịch bất động sản câu kết với những bên giao dịch để trốn thuế, lũng đoạn thị trường, cung cấp thông tin không chính xác; cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương không quản lý được hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, do sàn giao dịch bất động sản là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch nên không bảo đảm tính công khai, minh bạch; năng lực của các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, chịu trách nhiệm với các bên trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.
Mặt khác, Điều 6 dự thảo Luật đã có các quy định cụ thể về việc công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Chương VII dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Liên quan đến nội dung giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh, sàn giao dịch bất động sản chủ yếu thực hiện hoạt động môi giới trung gian để bán sản phẩm, với mục đích chính là kinh doanh, lợi nhuận…
Theo đại biểu Hòa, do chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, việc quy định giao dịch bất động sản bắt buộc qua sàn là không cần thiết. Do đó, Nhà nước chỉ nên quy định khuyến khích chứ không nên quy định theo hướng bắt buộc.