Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão Trami (tiếng Việt là Trà Mi) ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 124,6 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông, Philippines.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.
Cơ quan khí tượng cho biết từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão Trà Mi di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km; sau đó có khả năng đổi hướng Tây Nam và di chuyển chậm lại.
Dự báo, cường độ bão Trà Mi có thể tiếp tục mạnh thêm, có lúc đạt cấp 12 giật cấp 15.
Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7.
Từ sáng 24/10, gió mạnh tăng lên cấp 8-9 (62-88km/h), vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 giật cấp 14, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão sóng cao 6-8m; biển động dữ dội.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết cho rằng, không khí lạnh về có thể khiến bão Trà Mi giảm cấp khi vào gần bờ. Tuy nhiên cũng chính không khí lạnh gặp mây đối lưu và mây hoàn lưu bão sẽ tạo ra một đợt mưa rất lớn và kéo dài ở miền Trung.
Vị chuyên gia dự báo đợt mưa lớn có thể bắt đầu từ ngày 27 đến 31/10 ở Bắc Trung Bộ. Sau đó tàn dư của bão Trà Mi có thể tạo thành một vùng áp thấp ở ven biển miền Trung và tiếp tục gây mưa lớn giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 5/11 trên phạm vi khá rộng gồm cả các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Huy khuyến cáo người dân cần cảnh giác với ngập lụt diện rộng và các thiên tai kèm theo nó như lũ quét, sạt ở đất ở các vùng núi của miền Trung.
Theo ông, trước mắt các tàu thuyền đánh cá không nên đi vào khu vực từ vĩ tuyến 15 đến vĩ tuyến 20; nên đi vào bờ trú bão trước ngày 26/10 và không nên ra khơi tiếp vì miền Trung biển động mạnh cho tới hết tuần đầu tiên của tháng 11.
Các hộ nuôi cá lồng, nuôi tôm ven đầm phá và ven biển từ Quảng Bình tới Phú Yên nên bắt tỉa thủy sản thành phẩm tránh rủi ro nước ngọt về làm thay đổi môi trường đột ngột.