Bảo tồn và phát huy Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

THU THẢO (Cổng thông tin điện tử Châu Đốc)| 26/10/2021 06:00

Châu Đốc được mệnh danh là thành phố du lịch (DL) tâm linh nổi tiếng với “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” - một trong những lễ hội được nhiều người dân trong và ngoài nước tín ngưỡng.

Đây là lễ hội có thời gian kéo dài từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 4 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 22-27 tháng 4 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm…

Lễ hội độc đáo, nổi tiếng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) Trần Quốc Tuấn, cuối thập niên 80, địa phương đã quan tâm chỉ đạo tôn tạo và bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa của “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam”.

Lễ hội được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 2001. Đến năm 2015, lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm qua, hoạt động DL ở Châu Đốc đã có bước phát triển mạnh mẽ. Lượng khách DL đến Châu Đốc, nhất là khách hành hương đến miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tăng nhanh và đã trên 4 triệu khách mỗi năm (chiếm hơn 60% khách DL của tỉnh An Giang). Đáng chú ý, vào dịp vía Bà (cuối tháng 4 âm lịch), lượng du khách đến đây gia tăng đột biến, lúc cao điểm có từ 60.000-70.000 khách.

Bảo tồn và phát huy Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam - 1

Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam

Sau khi được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đến năm 2020, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi sam đã trở thành nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của các dân tộc, nét hành hương tâm linh, tín ngưỡng đặc trưng của Nam Bộ, thu hút khoảng 6 triệu lượt khách hành hương.

Công tác quản lý, duy tu, bảo quản các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội được duy trì linh hoạt hàng năm. Thường xuyên có nhiều đổi mới nên các hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, phần lớn được diễn ra trong không khí trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, các trò chơi dân gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút đông đảo du khách thập phương, người dân địa phương tham gia.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội

Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam, trước mắt, địa phương tiếp tục thực hiện các phần việc, lộ trình, quy trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam phù hợp với các tiêu chí Công ước UNESCO 2003 để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Đồng thời, tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và phát huy tinh thần giá trị to lớn của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đặc biệt, phải khẳng định, lễ hội là tài sản tinh thần vô giá của các cộng đồng dân tộc tại địa phương, du khách trong và ngoài nước.

Từ tầm quan trọng to lớn đó, vấn đề tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội là rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tồn và phát huy Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam - 2

Nghiên cứu các vấn đề pháp lý để bổ sung, ban hành các quy định trong quá trình thực hiện lễ hội; cần giữ nguyên các giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội, chú trọng đến văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các hoạt động nghệ thuật trong quá trình diễn ra lễ hội phải có nội dung phù hợp, thu hút mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trí thức và tầng lớp trẻ… Không gây lãng phí, phải có tính giáo dục cao trong cộng đồng và xã hội… Thực hiện mạnh mẽ, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Nhất là, tập trung tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những quy định của pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức...

Tổ chức rộng rãi các hoạt động DL, các hình thức DL. Trong đó chú trọng vào DL tâm linh, gắn Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam với các di tích văn hóa, lịch sử lân cận. Kết nối với các tour, tuyến, điểm DL lớn của tỉnh An Giang để tăng cường hoạt động quảng bá cho lễ hội.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam để đánh giá đúng giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, ban hành các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá, phát triển DL cho TP. Châu Đốc và khu vực ĐBSCL…

Để thực hiện các giải pháp trên, UBND TP. Châu Đốc đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo từng giai đoạn cụ thể và phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

UBND TP. Châu Đốc phối hợp Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam”. Hội thảo đã tập trung làm rõ những giá trị văn hóa, DL tâm linh, các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam… Đồng thời, thảo luận, phân tích các tiềm năng, thực trạng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc - An Giang hướng đến việc đệ trình tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/bao-ton-va-phat-huy-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-c9a18363.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/bao-ton-va-phat-huy-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-c9a18363.html
Bài liên quan
  • Lễ hội của người Sikh
    Các tín đồ đạo Sikh có những lễ hội độc đáo mà những nơi khác ở Ấn Độ không có. Du khách không nên bỏ qua cơ hội để một lần được hòa mình trong những dịp lễ này. Lễ hội đầu tiên không thể không nhắc tới là ngày Năm mới của người Sikh, hay còn gọi là ngày Văn hóa người Punjab.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát huy Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO