Bảo tồn, tu bổ di tích lịch sử: Nguồn lực hạn chế, chưa được chú ý

Hương Hồ| 10/08/2022 20:20

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận việc đầu tư để tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng… chưa được doanh nghiệp chú ý, nguồn lực còn hạn chế.

Chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn về chính sách phát triển du lịch, bảo tồn di tích lịch sử, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử…

Trong đó vấn đề làm gì để khắc phục tình trạng chống xuống cấp và làm mới di tích, chú ý nhiều hơn đến vấn đề di tích lịch sử cách mạng dành được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Bảo tồn, tu bổ di tích lịch sử: Nguồn lực hạn chế, chưa được chú ý - 1
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quốc Chính).

Liên quan đến công tác bảo tồn các di tích, gắn với du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của chúng ta.

Tuy nhiên, từ nhiều khóa, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất yếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp.

Trả lời đại biểu trong phiên chất vấn trước vấn đề: Hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị. Giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích? Và tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị định 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.

"Trách nhiệm chính quyền địa phương cấp tỉnh đó là phải lập dự án, thẩm định thiết kế tổ chức thi công. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chỉ tham gia phần thẩm định chung và trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt dự án. Bộ có chức năng sẽ thanh tra khi thấy có sai phạm ở lĩnh vực không làm đúng tinh thần của việc tôn tạo và bảo tồn di tích.

Còn trách nhiệm chính, chúng tôi nghĩ rằng khi được giao, các cơ quan phải đôn đốc, tổ chức thực hiện đúng với các dự án đã được phê chuẩn và tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng để phát hiện và ngăn chặn những việc làm sai, không đúng với ý nghĩa của nó là phục dựng, tôn tạo giá trị di tích", Ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, trong tổng số hệ thống di tích thì di tích lịch sử cách mạng của nước ta chiếm khá lớn. Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên một số nguồn lực để tập trung vào mục tiêu tôn tạo, chống xuống cấp di tích nhưng nguồn lực có hạn nên việc đầu tư và tôn tạo còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ.

"Ở những địa phương có điều kiện kinh tế lớn, tự chủ được ngân sách thì đầu tư và tôn tạo khá rõ còn các địa phương trợ cấp ngân sách từ Trung ương thì còn phụ thuộc vào nguồn đầu tư. Bộ rất chia sẻ, trong lúc đó, chúng ta đang còn thực hiện các văn bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hợp tác công tư để đầu tư nhưng ở lĩnh vực này chưa nhiều doanh nghiệp tha thiết và muốn đầu tư", Ông Hùng chia sẻ thêm.

Bộ trưởng thừa nhận, đúng như đại biểu nói việc đầu tư hiện nay chủ yếu vào khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái, điều đó cũng đúng để tạo ra các sản phẩm. Nhưng đầu tư để tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng thông qua đó để gắn kết trở thành địa chỉ không chỉ là giáo dục truyền thống mà còn là điểm đến của du khách thì chưa được các doanh nghiệp chú ý.

Bộ trưởng cho rằng rất khó để thực hiện xã hội hóa mà mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ chú ý dồn nguồn lực đầu tư vào vấn đề này.

Ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, tu bổ di tích lịch sử: Nguồn lực hạn chế, chưa được chú ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO