Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Dao ở Quảng Ninh

Theo Văn Đức| 09/05/2022 14:18

Lễ hội Bàn Vương lần II năm 2022 với chủ đề "Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển," diễn ra ngày 7-8/5, ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; đây là lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao.

Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Dao ở Quảng Ninh | Lễ hội | Vietnam+ (VietnamPlus)
Lễ hội tái hiện hành trình vượt biển của thủy tổ Bàn Vương đưa con cháu đi khai phá vùng đất mới.

Trong 2 ngày 7 và 8/5 (tức 7 và 8/4 Âm lịch), tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022 với chủ đề "Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển".

Đây là lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương - thủy tổ của người Dao đã đưa con cháu mình đi tìm vùng đất mới.

Theo truyền thuyết, người Dao ở Ba Chẽ có tổng 12 họ và cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội tái hiện lại hành trình “vượt biển” của 12 dòng họ người Dao trên 12 con thuyền đến vùng đất mới để lập nghiệp; dâng các lễ vật, cây đặc sản lên cúng ông tổ Bàn Vương tại miếu Bàn Vương và một số nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Dao.

Trong phần hội là chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống; nhảy lửa và sân khấu hóa một số nghi lễ, nghi thức đặc sắc trong lễ cấp sắc của người Dao (múa hành triều, múa rồng…). Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực của cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn.

Khu vực chính diễn ra lễ hội tại miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng Dao ở thôn Sơn Hải. Tại đây, du khách được xem các tiết mục hát múa của dân tộc Dao, trình diễn trang phục Dao trên địa bàn Quảng Ninh trên nền nhạc dân tộc.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nghi lễ nhảy lửa, nghi lễ múa rùa, cùng các hoạt động thể thao như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi guốc mộc khổng lồ, đi cà kheo. Đặc biệt là trò đi cầu khỉ để tưởng nhớ lại một thời gian khó của các thôn bản các xã huyện Ba Chẽ trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Đến với lễ hội, du khách sẽ được tham gia giao lưu ẩm thực các món ăn của người Dao và một số dân tộc khác trên đại bàn huyện Ba Chẽ; xem không gian trưng bày văn hóa Dao gồm hàng trăm mẫu vật của người Dao không chỉ riêng Ba Chẽ mà ở cả các địa phương khác trong cả nước và mô hình lễ cấp sắc của người Dao.

Việc tổ chức Lễ hội Bàn Vương nhằm tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.” Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung.

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/bao-ton-net-van-hoa-dac-trung-cua-nguoi-dao-o-quang-ninh-167952.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/bao-ton-net-van-hoa-dac-trung-cua-nguoi-dao-o-quang-ninh-167952.html
  • Quên hết nỗi sầu ở Suôi Thầu
    Có một miền xinh đẹp hoang sơ ở Hà Giang mang tên Suôi Thầu. Nơi đây không có nhà cao tầng, khói bụi, tiếng còi xe... khiến ta như tạm quên hết những bộn bề của cuộc sống...
  • Di tích "núi thơ" độc nhất vô nhị Việt Nam
    Núi Non Nước có hàng chục bài thơ đề trên các vách đá, được ví như bảo tàng thơ Hán Nôm và là tuyển tập những bài thơ "có một không hai" ở nước ta.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Dao ở Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO