Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nằm trong khuôn viên khu đất 3 mặt tiền rộng gần 4.000m2, cửa chính nằm ở đường Phó Đức Chính (quận 1, TPHCM). Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, được xây dựng từ năm 1929. Thế nhưng, nhiều hạng mục công trình này đang bị hư hỏng, xuống cấp.
Tòa nhà trụ sở làm việc và nơi trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM từng là tư dinh của một trong "Tứ đại phú hộ" nức tiếng đất Sài Gòn xưa - tên Hứa Bổn Hỏa (dân Sài Gòn vẫn quen gọi là chú Hỏa).
Dinh thự là khối kiến trúc gồm 4 tầng (gồm 1 trệt và 3 lầu), đây cũng là công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, một hạng mục cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam thời điểm đó.
Công trình mang nét đặc trưng của kiến trúc Đông - Tây do các kiến trúc sư người Pháp thực hiện. Hiện ở đây đang trưng bày hằng trăm tác phẩm mỹ thuật đa dạng về thể loại, như các loại tranh, tượng điêu khắc, phù điêu...
Từ năm 1975, chủ nhân của dinh thự là ông Hứa Bổn Hòa và gia đình chuyển sang nước ngoài định cư. Sau đó nơi này được chuyển thành Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, năm 1992, chính thức đi vào hoạt động và phục vụ khách.
Đây là nơi thu hút nhiều bạn trẻ tới tham quan, check-in, địa điểm lý tưởng để nhiều cặp đôi tới chụp hình cưới với phong cách cổ kính, hoài niệm.
Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có 3 mặt tiếp giáp đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Nguyễn Thái Bình. Trải qua gần 100 năm xây dựng và hoạt động, tòa nhà này đã xuống cấp, sụt lún, hư hỏng nhiều hạng mục.
Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng đã trình kiến nghị trùng tu tất cả hạng mục ở phía trong và ngoài của di tích này để thành phố lập phương án, xem xét trùng tu.
Về hiện trạng của Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM, nhiều hạng mục bị hư hại, nứt vỡ. Màu sơn đã cũ, rêu phong bám nhiều nơi trong tòa nhà.
Tại lầu 2 phía sau tòa dinh thự, một số con tiện đã bị nứt, gãy rời ra. Đây là những hạng mục đã tồn tại qua gần 100 năm, mang nhiều dấu ấn của thời gian.
Nhiều mảng tường, lớp sơn bị bong trốc, ngả màu thời gian, lộ ra phần bê tông bên trong khiến tổng thể công trình trở nên xấu xí, nhem nhuốc.
Trước đó, tòa nhà này cũng nhiều lần được tu sửa, sơn mới. Đây cũng là một trong 31 di tích văn hóa, lịch sử của thành phố dự kiến được tu sửa đến năm 2025.
Một số hạng mục phía bên ngoài như bậc tam cấp, lan can, mái ngói,... có thể thấy rõ sự xuống cấp, nứt toác thành những vệt dài.
Tượng chú gà trống bằng sứ trang trí trên mái lầu 2 của tòa nhà cũng bị vỡ, rơi rụng...
Nhiều bức phù điêu bằng gốm sứ ở ban công cũng bị nứt toác, bụi cùng rêu phong bám đầy.
Tòa nhà được xây dựng hình chữ U, có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60cm.
Trước đó, vào năm 2020, Sở Văn hóa Thể thao có báo cáo UBND TPHCM về công trình cao ốc Khu tứ giác Bến Thành thi công đã ảnh hưởng đến kết cấu của bảo tàng. Nhiều hạng mục của tòa nhà bị ảnh hưởng nặng do nền sụt lún, hàng rào, tường bị nứt.
Hiện công trình được xác định hư hỏng, xuống cấp nhiều hạng mục, song chưa thể tôn tạo do thiếu kinh phí. Cuối năm 2021, tòa nhà ở góc đường Nguyễn Thái Bình được sơn lại theo màu cũ để sử dụng tạm thời.