Bảo mẫu kể về những góc khuất tại Mái ấm Hoa Hồng

05/09/2024 14:18

"Các bé sốt, ho đều dùng mấy loại thuốc có sẵn. Nếu thấy bé nào đỡ thì họ mặc nhiên những lần sau sẽ tiếp tục dùng, dẫn đến một số bé bị sốc thuốc", bảo mẫu từng làm việc tại Mái ấm Hoa Hồng chia sẻ.

Liên quan đến vụ Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM) bị tố bạo hành trẻ em, trục lợi từ thiện, phóng viên Dân trí đã liên hệ với những người từng làm bảo mẫu ở đây và các nhà hảo tâm để tìm hiểu những câu chuyện về cách nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại mái ấm này.

Trẻ ăn cơm chan nước tương, uống sữa hết hạn

Từng có thời gian ăn ở, chăm sóc các bé tại Mái ấm Hoa Hồng, chị Mỹ Dung (SN 2001, ngụ TPHCM) chia sẻ chị biết cơ sở này từ tháng 11/2022 thông qua mạng xã hội. Nhiều lần tới tặng quà, chị Dung tiếp xúc với các bé và dần có cảm tình. Từ đó, chị thường lui tới đây chơi với trẻ, thậm chí ngủ lại qua đêm chăm các bé như bảo mẫu.

Cũng chính vì thường xuyên đến đây, chị Dung được bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, chủ Mái ấm Hoa Hồng) tin tưởng, giao điện thoại cho chị Dung để nghe điện thoại, phản hồi tin nhắn của các nhà hảo tâm.

"Một lần, tôi thấy một người có họ Giáp nhắn cho bà Hương về việc xin sữa mẹ, sợ lây bệnh truyền nhiễm cho các cháu. Tuy nhiên, bà Hương lại nhắn rằng "Kệ đi, sống chết có số". Tôi không ngờ một người làm từ thiện lại phát ngôn như vậy. Từ đó, tôi dần mất lòng tin về bà Hương và đi tìm hiểu sâu hơn về những sai trái của cơ sở này", chị Dung chia sẻ.

Bảo mẫu kể về những góc khuất tại Mái ấm Hoa Hồng - 1

Một nhà hảo tâm chia sẻ về khoảnh khắc thăm các cháu tại Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh: Lê Trai).

Theo chị Dung, bà Hương thường xuyên đăng tải các bữa trẻ được ăn ngon, các hóa đơn tiền điện lên mạng xã hội để các nhà hảo tâm thấy và cho tiền. Tuy nhiên, thực tế nhiều lần chị Dung chứng kiến trẻ ăn rất sơ sài, chỉ được ăn cơm chan nước tương, hay ăn bún chan nước sôi.

"Tôi thường nghe bà kể thuê mặt bằng mái ấm với giá 40 triệu đồng/tháng để nuôi các con. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy hóa đơn tiền nhà, trong khi các hóa đơn khác thì bà thường xuyên đăng lên mạng", chị Dung nói thêm.

Còn anh Trần Thảo Duy (SN 2001) cho biết thường xuyên đến Mái ấm Hoa Hồng để làm thiện nguyện. Những lần tới đây, anh Duy thường mang tiền, quà gửi cho mái ấm. Tuy nhiên, sau đó anh Duy nghi ngờ cơ sở này trục lợi từ thiện, từ đó anh chỉ mua đồ ăn, trái cây trực tiếp đút cho các cháu.

"Nhiều lần tôi thấy họ chở sữa, tã đi nơi khác. Tôi hỏi thì họ nói bán để lấy kinh phí cho các cháu. Tuy nhiên, tôi thấy các cháu toàn uống sữa mẹ được nấu lên, có những hộp sữa hết hạn hoặc gần hết hạn, bột nổi lợn cợn", anh Duy kể lại.

Theo anh Duy, có một số bảo mẫu vì thương các cháu bé nên đem các hộp sữa hết hạn đổ bớt đi, để nhận lô sữa mới cho các cháu.

Sữa, tã tốt đều đem đi bán?

Từng có thời gian làm bảo mẫu tại cơ sở, chị Phan Hải Yến (SN 2006) biết được nhiều góc khuất tại cơ sở này. Theo chị Yến, nhiều trẻ em được nuôi dưỡng ở đây là có mẹ, cha đem tới gửi. Tuy nhiên, bà Hương thường nói rằng các bé là trẻ mồ côi, để lấy được tình thương của các nhà hảo tâm.

Ngoài ra, theo chị Yến, các bé ở đây được cho ăn uống sơ sài, một bình sữa cho nhiều em bú chung. Ngoài ra, các em cũng không được chăm sóc kỹ lưỡng về sức khỏe. Nhiều cháu ốm nhưng không được đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ kê đơn mà tự ý dùng thuốc.

"Các bé sốt, ho đều được dùng mấy loại thuốc có sẵn. Nếu thấy bé nào đỡ thì họ mặc nhiên những lần sau sẽ tiếp tục dùng, dẫn đến một bé bị sốc thuốc. Có lần, một bé bị viêm phổi, không thở nổi. Tôi nói bà Hương đưa bé đi khám nhưng bà không đồng ý. Tối hôm đó, mọi người thấy bé mệt không chịu nổi mới đưa đi viện", chị Yến chia sẻ.

Bảo mẫu kể về những góc khuất tại Mái ấm Hoa Hồng - 2

Trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng được đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội công lập (Ảnh: Tùng Linh).

Theo chị Yến, các nhà hảo tâm mang sữa, tã đến thì sẽ được cơ sở phân loại. Loại nào tốt, cơ sở sẽ để riêng, còn các loại kém, ẩm mốc sẽ đưa cho các bé sử dụng.

"Thường cuối ngày, cơ sở huy động những người đàn ông khuân vác các thùng sữa, tã lên xe tải chở đi bán. Có lần bị nhà hảo tâm phát hiện, cơ sở chống chế rằng chở hàng về kho cất", chị Yến nói thêm.

Chị Yến cũng cho biết thêm trong thời gian làm việc ở đây, chị cũng nhận thấy nhiều bé bị sẹo trên cơ thể, nghi do các bảo mẫu khác bạo hành.

Những chia sẻ từ những người từng làm việc, tiếp xúc và biết đến Mái ấm Hoa Hồng gợi mở thêm nhiều vấn đề bất cập về cách chăm sóc trẻ tại nơi này. Tuy nhiên, sự thật của vụ việc vẫn phải chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Ngày 4/9, báo Thanh Niên phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. Theo đó, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ.

Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra. Nhà chức trách thu thập tài liệu, lập hồ sơ đưa 85 trẻ đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập.

Ngày 5/9, Công an TPHCM đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) cùng một số người khác để điều tra các dấu hiệu bạo hành trẻ em và trục lợi quà từ thiện của các nhà hảo tâm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bảo mẫu kể về những góc khuất tại Mái ấm Hoa Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO