Một lần, tôi tình cờ thấy được cuộc trò chuyện giữa giáo viên và một phụ huynh trong nhóm lớp của một đứa trẻ.
Cô giáo cho biết hôm nay em học sinh ở trường rất nghịch, nhờ phụ huynh chỉ bảo thêm cho em ở nhà。
Đọc được tin nhắn của cô, bố mẹ em học này vô cùng tức giận. Cả hai lập tức nhắn lại: "Ngày nào tôi cũng dạy nó đấy cô, mà chẳng hiểu sao nó vẫn hư thế. Cô giáo cứ yên tâm, lát ăn cơm tôi sẽ nói chuyện cẩn thận với nó".
Tôi đã nghe thấy câu nói tương tự từ không ít phụ huynh, trong đó có nhiều phụ huynh ở ngay xung quanh tôi, những người chọn dạy con họ trên bàn ăn.
Vì nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho con cái nên giờ ăn trở thành cảnh dạy kèm, bữa ăn sặc mùi thuốc súng.
Thế nhưng, không có đứa trẻ nào thích bị la mắng trong bữa ăn cả.
Hơn nữa, việc trách móc, dạy dỗ của cha mẹ không chỉ gây tổn hại về thể chất mà còn để lại bóng tối về mặt tâm lý trong trẻ.
Ăn thì ăn, đừng lúc nào cũng dạy dỗ con cái
Sau khi tốt nghiệp và đi làm, nhiều người lớn vẫn ngại về nhà ăn tối với bố mẹ.
Vì mỗi lần ngồi xuống bàn với cái bụng đói và chuẩn bị tập trung dùng bữa trong yên lặng, tai họ vẫn bị vây quanh bởi tiếng càm ràm của bố mẹ, càng ăn càng chán ăn.
Những lời đạo lý trách móc trên bàn ăn đến người lớn còn không thể chịu nổi chứ huống chi những đứa trẻ.
Ảnh minh họa
Ăn uống vốn dĩ là một việc vui vẻ nhưng cha mẹ lại luôn mắng trẻ, bắt trẻ nhận sai, chỉ trích trẻ ngay trước mặt cả nhà, lòng tự trọng của trẻ khi ấy sẽ bị tổn thương, thậm chí chúng còn cảm thấy bố mẹ thật phiền.
Nhiều trẻ khi quá ấm ức sẽ không nhịn nổi mà bật khóc trên bàn ăn. Ăn với tâm trạng tiêu cực như vậy sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ, dẫn đến tình trạng khó tiêu, chán ăn và các vấn đề khác.
Tính cách của một đứa trẻ phụ thuộc vào không khí gia đình, và không khí gia đình có tốt hay không có thể nhìn thấy trên bàn ăn.
Nếu bữa ăn biến thành cuộc họp phê bình, bầu không khí chán nản sẽ dần dần ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển tính cách của trẻ, cảm xúc nổi loạn cũng sẽ xuất hiện.
Vì vậy, cha mẹ nên chú trọng việc ăn đúng giờ, không nên lúc nào cũng nghĩ đến việc dạy dỗ, giáo dục con cái.
Có thể bạn cho rằng điều này không có gì to tát nhưng đối với trẻ em thì đó thực sự là một cơn ác mộng.
Cha mẹ nên làm gì trên bàn ăn?
(1) Để trẻ chia sẻ những trải nghiệm của mình
Ăn và ngủ là trạng thái thư giãn của mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy trẻ rất thích tâm sự với bố mẹ trong bữa ăn, chẳng hạn như những chuyện vui buồn chúng gặp ở trường và một số tâm sự của bản thân chúng.
Lúc này, cha mẹ nên tham gia nhiều hơn vào sự chia sẻ của con, khuyến khích con thể hiện bản thân nhiều hơn, để con cảm thấy được trân trọng và quan tâm. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong việc xây dựng sự tự tin.
Nếu trẻ sống nội tâm và không thích nói chuyện, cha mẹ có thể bắt chuyện trước và nói một số điều thú vị, vui vẻ để không khí bàn ăn bớt im lìm hơn.
Ảnh minh họa
(2) Chỉnh sửa cách cư xử trên bàn ăn của trẻ
Người ta thường nói, tính cách của một người được thể hiện qua món ăn và cách nhìn của người đó được thể hiện qua bàn ăn.
Bàn ăn tuy chỉ là một không gian nhỏ nhưng lại là nơi dễ bộc lộ bộ mặt thật của một con người nhất.
Những thói quen tốt được trau dồi từng chút một bắt đầu từ thời thơ ấu. Cha mẹ thực sự có tầm nhìn xa trông rộng nên dạy con ăn uống đúng cách và giáo dục tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Khi ăn uống, cha mẹ có thể rèn luyện cho con một số kỹ năng sống như giúp mẹ bày bát đĩa, bê các món hay dọn bàn sau bữa ăn.
Bạn cũng có thể quan sát xem con mình có mắc lỗi nào trong cách cư xử trên bàn ăn và sửa chữa kịp thời, chẳng hạn như bàn trẻ lau có sạch không, trẻ có mắc thói quen xấu khi gắp đồ ăn, bới đồ ăn không, trẻ có xu hướng chạy xung quanh và la hét...
Bàn ăn không phải là bàn họp và không nên là nơi cha mẹ chỉ trích con cái.
Chúng ta không cần phê phán, la mắng con trong giờ ăn, thay vào đó, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao mối quan hệ với con.
Khi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, cha mẹ có thể đưa ra ý kiến, đề xuất cho con và con sẽ dễ chấp nhận hơn.
Theo Phụ nữ mới