Không ai dám nhìn thẳng, nói thẳng
2 tấm thẻ đỏ ở phút 90+6, khi thế trận đang là 2 bàn cách biệt, chưa nói đến những gì xảy ra, người ta cảm thấy sự vô nghĩa trong hành động của các nhân vật liên quan. Jeremie Lynch hay Duy Mạnh đều tỏ ra ngỡ ngàng, khó hiểu và bất phục trước quyết định của trọng tài Trần Đình Thịnh khi rút thẻ cho họ.
Cái sự ngỡ ngàng và khó hiểu đó dường như chỉ đến sau khi đã “tỉnh cơn say”, sau khi 2 cầu thủ này va chạm khi tranh bóng. “Cơn say đòn” đến theo diễn biến trận đấu, theo những lần đụng độ kể từ hiệp 1.
Nhưng ngỡ ngàng mà làm gì, vẻ mặt như vô tội của họ không thể thay đổi điều gì. Mọi hành động đều được thu vào ống kính, đều không thoát khỏi tầm mắt của khán giả trên sân. Vì bóng đá là “sân khấu 4 mặt cơ mà”…
Huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng cũng bức xúc không kém vì học trò của mình bị thẻ đỏ, khi “cậu ấy bị tấn công”. Người ta tự hỏi, ông có dành tâm trí cho trận đấu hay không, bởi không thể không thấy cầu thủ người Jamaica đã có động tác “tấn công” Duy Mạnh trước.
Với Lynch, đó là thẻ vàng – cũng là thẻ vàng thứ hai, dẫn đến chiếc thẻ đỏ. Không oan ức gì cả.
Tất nhiên, lỗi của Duy Mạnh nặng hơn, nghiêm trọng hơn, đáng chê trách hơn. Một ngôi sao, một tuyển thủ quốc gia, nhưng cũng không tách được mình khỏi “cơn say đòn” và đã phản ứng bằng một hành động không thể chấp nhận được.
Cầu thủ trên sân, với những cái đầu nóng, có thể bùng nổ khi bị đẩy vào hoàn cảnh ức chế là điều dễ hiểu, nhưng cách huấn luyện viên Chun Jae-ho không dám nhìn thẳng vào vấn đề cũng cho thấy vì sao yếu tố bạo lực khó bị xóa bỏ khỏi V.League.
“Tôi sẽ phải xem lại pha bóng đó mới biết chính xác được Duy Mạnh có thực sự chơi tiểu xảo hay không”, cũng như người đồng nghiệp, ông có để tâm vào trận đấu hay không? Huấn luyện viên người Hàn Quốc thậm chí còn nói, sẽ trao đổi thêm về việc các cầu thủ “có cần tiết chế hành vi của mình lại hay không”.
Mạnh tay chống hậu họa
Không biết câu nói đó có phải là lỗi phiên dịch hay không, nhưng hiểu theo cách diễn đạt này thì “có thể cần, có thể không cần”. Chính sự lấp lửng đó là thứ “chìa khóa” mở cho sự tồn tại của vấn đề bạo lực, tiểu xảo ở các cầu thủ.
Lao Động mới có loạt bài về vấn đề văn hóa trên sân cỏ và nhấn mạnh rằng, xử lý vấn đề phải từ gốc rễ. Những tấm thẻ đỏ hay án treo giò chỉ là phần ngọn, không đủ sức răn đe, do đó, vấn đề tư tưởng phải từ chính các câu lạc bộ, xuất phát điểm là công tác đào tạo trẻ.
Ngay cả với các huấn luyện viên cũng vậy, ngoài chuyện tấm bằng và chuyên môn, cần có cả đòi hỏi về khía cạnh đạo đức, ngăn chặn ngay từ đầu việc truyền tư tưởng, tư duy chơi bóng không đẹp “từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Nhân sự vụ ở trận đấu giữa Hà Nội FC và Topenland Bình Định, người ta nhắc lại những lần cầu thủ của đội tuyển Việt Nam – trong đó có Duy Mạnh, bị thổi còi, phạt thẻ tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Đó chính là hậu quả từ tư duy chơi bóng ở V.League, nơi không có VAR.
Huấn luyện viên Chun Jae-ho cũng hy vọng VFF nhanh chóng triển khai VAR, nhưng người ta cũng sớm nói đùa rằng, ngay VAR cũng sẽ “sớm hỏng vì quá nóng khi phải xử lý liên tục các pha tranh cãi ở V.League”.