"Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến người dân Indonesia. Thành thật mà nói, chúng tôi rất bàng hoàng, rất buồn, không thể nói được gì. Chúng tôi thực sự hối hận về sự việc này", Chủ tịch CLB Arema Gilang Widya Pramana phát biểu trong buổi họp báo hôm nay (3/10). Theo CNN Indonesia, ông Pramana bật khóc khi nhắc lại thảm kịch xảy ra trên sân vận động Kanjuruhan tối 1/10 khiến 125 người thiệt mạng.
Người đứng đầu của CLB Arema, đội chủ nhà, nói thêm: "Chúng tôi sẵn sàng chịu toàn bộ trách nhiệm về vụ việc xảy ra. Chúng tôi sẽ bồi thường bằng tất cả mọi hình thức cho các nạn nhân, dù không thể khiến mọi thứ trở lại như cũ".
HLV trưởng Javier Roca của CLB Arema tự dằn vặt và cũng nhận lỗi về mình sau khi thảm kịch xảy ra. Ông tin rằng nếu đội chủ nhà không thua trận, các cổ động viên sẽ không quá khích như vậy và không dẫn đến bạo loạn.
"Tôi suy sụp trong tâm trạng. Tôi cảm thấy có một gánh nặng trong lòng, cảm thấy có lỗi. Kết quả trận đấu quyết định những gì xảy ra tiếp theo. Nếu chúng tôi có một trận hòa, thảm họa có lẽ không xảy ra", ông Roca nói. Hôm nay, ông và các học trò quay trở lại sân vận động Kanjuruhan để cầu nguyện, tưởng niệm các nạn nhân. Các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện CLB Arema không kìm được nước mắt.
CLB Arema chưa có kế hoạch tập luyện trở lại sau vụ bạo loạn. Ban huấn luyện và các cầu thủ của đội bóng này dành một ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch xảy ra tối 1/10. Các thành viên của Arema cũng chia nhau thăm hỏi gia đình của những người xấu số.
Sự cố xảy ra ở trận đấu giữa Arema và Persebaya trong khuôn khổ giải VĐQG Indonesia tối 1/10 là thảm kịch lớn thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới. Theo công bố của chính quyền địa phương, 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương trong vụ bạo loạn.
Thảm họa bắt đầu khi các cổ động viên quá khích tràn xuống sân. Lực lượng an ninh khiến tình hình càng thêm tồi tệ khi dùng súng hơi cay để giải tán đám đông. Hàng nghìn người hoảng loạn trên khán đài tìm đường thoát thân. Có người qua đời vì ngạt thở, một số khác bị dẫm đạp khi ngã xuống trong đám đông hỗn loạn.
“Chúng tôi ở trong phòng thay đồ khoảng 4-5 giờ, lấy bàn ghế ra chặn cửa. Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra bên ngoài, chỉ cảm nhận được sự ồn ào và nghe những tiếng la hét khắp hành lang. Chúng tôi không biết đó là tiếng hét của những người đang đuổi theo mình hay sự hoảng loạn", Sergio Silva, cầu thủ của CLB Arema kể lại.
Silva và các đồng đội đã rút vào phòng thay đồ ngay khi thấy cổ động viên từ khán đài tràn xuống sân. Họ cảm nhận được rằng tình hình có vẻ không ổn, dù đám đông không tỏ ý gây hấn hay định tấn công các cầu thủ.
Theo lời kể của Silva, anh và đồng đội mở cửa cho vài người khác vào phòng thay đồ lánh nạn cùng. Họ kinh hãi khi nhìn thấy đám đông chạy đi trong hoảng loạn. Nhiều người đau đớn vì bị xịt hơi cay trúng mặt. Silva cũng cho biết, anh tận mắt thấy một số nạn nhân ngã xuống và bị dẫm đạp đến bất tỉnh.
"Có vài người gục ngã ở ngay gần phòng tắm. Người thân của một trợ lý huấn luyện viên trong đội chúng tôi cũng qua đời. Tôi chỉ thấy sự khủng khiếp, tàn phá. Mọi thứ vỡ nát, hành lang đầy máu. Giày dép vương vãi", Silva nói.
HLV Javier Roca của Arema cho biết, ông và các học trò mở cửa phòng nghỉ cho khoảng 20 người vào lánh nạn và để các nhân viên y tế của đội thực hiện sơ cứu cho những người bị thương. Có ít nhất 4 người trong đó không qua khỏi.
Trước đó, vị HLV trưởng của đội bóng chủ nhà tận mắt thấy một cậu bé mất mạng trong vụ bạo loạn được bế vào khu vực đường hầm. Ông Javier Roca vừa rời khỏi phòng họp báo và chưa biết chuyện gì xảy ra.
"Chúng tôi nghe thấy tiếng súng. Có những người dính hơi cay và qua đời ngay trước mắt tôi. Có tới 7 hay 8 người thiệt mạng trong căn phòng đó", tiền đạo Abel Camara nói. Cầu thủ người Guinea-Bissau vẫn chưa hết bàng hoàng sau thảm kịch ở Malang.