Dự kiến tháng 3/2022 sắp tới đây sẽ có một đánh giá giữa kỳ (Interim Review) cho việc thay đổi xếp hạng. Nếu được lên hạng thì có lợi gì và ai sẽ có lợi? Và quyết tâm để Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi có đủ mạnh?
CHUYỆN XẾP HẠNG CÁC THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Các thị trường chứng khoán trên thế giới tùy theo mức độ phát triển của mình mà được phân loại thành các nhóm chính bao gồm: thị trường cận biên (frontier), thị trường mới nổi (emerging), và thị trường đã phát triển. Hiện nay có hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất là FTSE và MSCI. Riêng đối với FTSE, nhóm thị trường mới nổi còn được chia làm hai là hạng hai (Secondary Emerging) và đã phát triển (Developed Emerging).
Các nhóm tiêu chí xếp hạng chính của FTSE và MSCI về chi tiết có những điểm khác nhau nhưng tổng thể là dựa trên GNI bình quân đầu người, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, và việc tiếp cận thị trường thông qua các tiêu chí như độ mở đối với nhà đầu tư nước ngoài, mức độ khó dễ trong việc kiểm soát dòng vốn vào/ra, sự hiệu quả của hệ thống vận hành, các sản phẩm đầu tư trên thị trường, và sự ổn định về thể chế.
Ông Võ Đình Trí, Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global. |
Với FTSE, các thị trường chứng khoán được phân loại dựa trên 6 nhóm tiêu chí chính là xếp hạng thu nhập của quốc gia theo GNI bình quân đầu người, mức độ rủi ro, thị trường và khung pháp lý, thị trường ngoại hối, thị trường cổ phiếu, và việc thực hiện lưu ký, bù trừ chứng khoán.
Việc xếp hạng đối với các thị trường chứng khoán là quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Thông thường, các quỹ đầu tư từ các nước phát triển với nguồn vốn dồi dào sẽ chú trọng nhiều vào thị trường phát triển và thị trường mới nổi, chủ yếu hoán đổi danh mục giữa các thị trường này. Cho nên một thị trường chứng khoán từ nhóm cận biên chuyển sang nhóm mới nổi là một sự chuyển mình rất lớn trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài.
Việc thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài mang lại một số lợi ích nhất định.
Lợi ích thứ nhất là chất lượng quản trị của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài với các tiêu chuẩn ở thị trường đã phát triển, sẽ yêu cầu doanh nghiệp gia tăng tính minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực tốt của thế giới trong vấn đề quản trị. Những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ lệ sở hữu đáng kể thì họ còn cùng tham gia hoạch định chiến lược, quản trị điều hành doanh nghiệp.
Lợi ích thứ hai là chất lượng của thị trường chứng khoán tăng, thể hiện qua việc bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư cá nhân, thì sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư trong nước. Thị trường phát triển thì lại thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước, và là tiền đề để nâng thị trường lên nhóm đã phát triển.
Chất lượng quản trị của doanh nghiệp tăng, thị trường phát triển sẽ mang lại lợi ích thứ ba và là quan trọng nhất: tăng trưởng của nền kinh tế. Vì khi doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn, không chỉ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, và liên tục cố gắng để hoạt động hiệu quả hơn nếu không muốn bị nhà đầu tư loại bỏ cổ phiếu của mình trong danh mục thì sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của nền kinh tế.
VIỆT NAM CÓ QUYẾT TÂM LÊN HẠNG?
Câu trả lời ở đây không hề dễ chút nào. Bởi vì điểm nghẽn của việc lên hạng của Việt Nam hiện nay là ở cơ chế thanh toán bù trừ và lưu ký.
Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 và trước năm 2023, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ phải chuyển sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán.
Quan trọng nhất ở đây là việc hình thành mô hình bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty Clearing House) cho các loại chứng khoán cơ sở. Việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm sẽ tăng đáng kể sức mua của nhà đầu tư, thanh khoản của thị trường tăng khi việc bán chứng khoán chờ về được áp dụng, và đồng thời cũng quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán được tốt hơn.
Tuy nhiên, những hạn chế còn tồn tại hiện nay lại là những thiệt thòi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí nhà đầu tư nước ngoài. Những trục trặc trong hệ thống thông tin khớp lệnh, chưa được bán chứng khoán chờ về ngay lập tức là cơ hội cho một số nhóm có thể chi phối thị trường, trong việc thiết lập mức giá một số cổ phiếu theo kế hoạch từ trước.
Nếu xét theo các tiêu chí để vào nhóm xếp hạng thị trường mới nổi hạng hai của FTSE thì thực sự không khó đối với thị trường Việt Nam, vấn đề là có quyết tâm thực hiện hay không. Và nếu mục tiêu của Việt Nam là thị trường mới nổi đã phát triển trước năm 2025, ngang hàng với Thái Lan, Malaysia, Đài Loan như hiện nay thì cần rất nhiều nỗ lực khác, không chỉ là về hệ thống hạ tầng.
Vì muốn được lên hạng này, việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống giao dịch hiện đại tần suất cao cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Hiện nay, danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 15% trên thị trường chứng khoán, cho thấy thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu là của các nhà đầu tư trong nước. Nếu muốn tăng tỷ lệ này lên, không có cách nào khác là phải đưa thị trường Việt Nam vào nhóm xếp hạng cao hơn.
(*) Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global.
Theo VnEconomy
Nguồn: https://vneconomy.vn/bao-gio-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-len-hang.htm