Lời tòa soạn:
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Việc đi lại giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng thuận lợi như hiện nay khiến hoạt động mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.
Từ bẫy việc nhẹ lương cao cho tới những lời hứa đổi đời, nhiều người cả tin, đặc biệt là phụ nữ ở những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người bất lương. Dù cơ quan chức năng các nước đã rất nỗ lực ngăn chặn, triệt phá những đường dây buôn người nhưng hoạt động này vẫn xảy ra.
Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về vấn nạn buôn người trên thế giới, với những câu chuyện cuộc đời thấm đẫm nước mắt của những nạn nhân người Việt và hành trình trở về quê mẹ đầy gian truân, trắc trở.
TUYẾN BÀI NẠN BUÔN NGƯỜI
Bài 1: ‘Địa ngục trần gian’ của cô gái Việt bị lừa sang Myanmar làm việc
Bài 2: Lý do số lượng người Việt bị lừa đưa sang Myanmar gia tăng
Bài 3: Từ vụ 39 người Việt chết trong container tại Anh hé lộ những đường dây ma quỷ
Tháng 6/2022, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã tiến hành điều phối cuộc truy quét tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Bỉ. Theo đó, 9 người trong cùng một nhóm tội phạm đã bị bắt trước cáo buộc đưa người di cư bất hợp pháp từ Việt Nam vào châu Âu.
Theo tờ DW của Đức, vấn nạn buôn người từ Việt Nam vào châu Âu được chú trọng nhiều hơn kể từ tháng 10/2019, thời điểm 39 công dân Việt Nam được phát hiện bị chết ngạt trong chiếc xe tải đông lạnh đậu bên ngoài khu công nghiệp ở hạt Essex của Vương quốc Anh. Một số nạn nhân được cho đã bị bán sang châu Âu để làm lao động cưỡng bức.
Giới chuyên gia cho hay, nhiều người Việt Nam đã trả tiền cho những kẻ buôn người để tìm đường vượt qua eo biển Manche giữa Pháp và Anh. Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cũng cho biết, 279 công dân Việt Nam đã vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ từ tháng 1 - 6/2022.
“Lời hứa khác xa thực tế”
"Nhiều khách hàng Việt Nam bắt đầu hành trình bằng cách bay đến các nước Đông Âu. Hầu hết họ đều được hứa hẹn sẽ có công việc tử tế với mức lương công bằng, nhưng thực tế lại khác xa như vậy", Nusrat Uddin, chuyên gia về nạn buôn người của công ty luật Wilson Solicitors LLP tại London, nói.
Theo bà Uddin, nhiều người Việt bị bán sang châu Âu không biết rằng "công việc" của họ ở đây thực chất là hình thức "nô lệ thời hiện đại".
"Hầu hết đều có xuất thân nghèo khó, gia đình ở quê chỉ biết dựa vào đồng lương ít ỏi của họ, nên họ không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục làm việc. Giấy phép lao động càng làm vấn đề thêm trầm trọng, và giúp các chủ lao động hợp pháp hóa hơn nữa những hình thức bóc lột", bà Uddin nói.
"Ngay cả sau nhiều năm bị lạm dụng, nhiều khách hàng của chúng tôi vẫn không thể nhận được sự hỗ trợ, vì họ không thể báo cáo việc bị ngược đãi với chính quyền", bà nói thêm.
Vấn nạn kéo dài
Báo cáo vào năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc ước tính, hàng năm các mạng lưới buôn bán người Việt đã đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu. Hoạt động bất hợp pháp này mang lại cho những kẻ buôn người số tiền khoảng 300 triệu Euro (315,6 triệu USD).
Châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Séc, hiện là nơi sinh sống của nhiều người Việt. Theo đó, người Việt tại Cộng hòa Séc chiếm khoảng 1% dân số nước này. Do đó, nhiều tổ chức buôn người có trụ sở tại Cộng hòa Séc.
Đợt truy quét của cảnh sát EU đã bắt giữ nhiều đối tượng, và làm suy yếu hoạt động của các đường dây buôn người. Song theo giới chuyên gia, vấn nạn này sẽ chưa thể được giải quyết triệt để, và vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân một phần là vì nhu cầu việc làm và thu nhập.
"Những người di cư sẽ đến châu Âu bằng máy bay theo thị thực lao động được cấp cho một quốc gia cụ thể. Khi đến châu Âu, các nạn nhân sẽ được băng nhóm buôn người đưa đến điểm cuối cùng mà thường là Pháp, hoặc Anh", Europol cho hay.
"Trong một số trường hợp, bọn buôn người sử dụng thuyền cao su để đưa nạn nhân đến chặng cuối của hành trình. Điều này gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân", Europol nhấn mạnh.