Báo động tình trạng nhiều người đái tháo đường nguy kịch mùa dịch COVID-19

ANH ĐÀO| 14/10/2021 17:50

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch trong mùa dịch COVID-19 vì tâm lý chủ quan, e ngại dịch bệnh thậm chí là sử dụng thuốc theo lời đồn.

anh-1(1).jpg
Ảnh 1: Bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Uống thuốc theo lời đồn

Bệnh viện Đại học Y dược vừa cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.V.Đ. (58 tuổi) có tiền căn đái tháo đường type 2 đang điều trị thuốc uống. Trước khinhập viện 10 ngày, ông Đ. xuất hiện nhọt da vùng lưng, do ngại vào bệnh viện khám vì dịch bệnh nên tự mua thuốc uống, sau 1 tuần không giảm, nhọt da ngày càng sưng đỏ lan rộng nhanh, đau nhức nhiều kèm sốt ớn lạnh, bắt buộc phải nhập viện.

Tại bệnh viện ông Đ. có tình trạng áp xe da mô mềm lan rộng và nhiễm trùng huyết, kết quả cấy mủ áp xe là vi khuẩn kháng thuốc, nên không đáp ứng với kháng sinh thông thường, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Tương tự, bệnh nhân N.H.V. (61 tuổi) có tiền căn đái tháo đường type 2 đã 6 năm kèm tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não cũ. Khoảng 1 tháng nay sau khi hết thuốc uống, ông V. không đi khám bệnh, tự ý ngưng thuốc và mua thảo dược giảm đường huyết hỗ trợ uống theo lời đồn.

Hai tuần trở lại đây, ông V. bắt đầu tiểu và khát nước nhiều, 1 tuần trước nhập viện bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, tiếp xúc chậm. Nhưng do dịch bệnh người nhà vẫn chần chừ chưa đi tái khám, đến khi ông V. lơ mơ, hôn mê mới nhập viện. Do nhập viện muộn nên tình trạng đường huyết tăng cao gây biến chứng hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu máu và viêm phổi gây khó khăn và tốn kém trong điều trị và nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Dung, khoa nội tiết Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết người mắc COVID-19 kèm bệnh nền đái tháo đường có tiên lượng nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với người không bị đái tháo đường. Những bệnh nhân này dễ suy giảm miễn dịch, sức đề kháng chống lại virus yếu hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn.

Tiêm vắc xin càng sớm càng tốt

anh-2-1-.jpg
Bệnh nhân bị biến chứng bàn chân đái tháo đường trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: BVCC

Tiêm vắc xin càng sớm càng tốt

Theo bác sĩ Dung giãn cách xã hội trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp là biện pháp cần thiết, nhưng một góc độ khác, việc giãn cách dài ngày có thể khiến người bệnh không thể đi khám bệnh, không tuân thủ điều trị, dẫn đến ngưng thuốc điều trị. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao của người bệnh cũng bị thay đổi.

Đây là các yếu tố góp phần làm đường huyết tăng cao, khó kiểm soát và tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng liên quan đến đái tháo đường.

“Có trường hợp đã xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng do tăng đường huyết vì ngưng thuốc điều trị nhưng người bệnh không dám đến cơ sở y tế thăm khám dẫn đến hôn mê, tăng đường huyết phải nhập viện cấp cứu.

Hoặc có người bệnh bị biến chứng bàn chân đái tháo đường nhưng cố gắng chịu đựng, đến khi vào bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng, đe dọa tính mạng”, bác sĩ Dung cho biết.

Theo bác sĩ Dung, để phòng tránh và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, người bệnh đái tháo đường tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc, dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc điều trị bệnh mạn tính trong thời gian dài, ít nhất là 1 tháng.

Khuyến khích người bệnh sử dụng máy đo đường huyết mao mạch thường xuyên, để tự theo dõi đường huyết bệnh tại nhà. Nếu không kiểm tra được đường huyết tại nhà, chú ý đến các dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn (đặc biệt là vào ban đêm), khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ, hoặc bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác đói. Nếu có các triệu chứng này phải liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.

Bệnh nhân nên chuẩn bị những thứ cần thiết để có thể xử trí trong các trường hợp hạ đường huyết đột ngột như đường gói, bánh ngọt, sữa. Đặc biệt, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng... nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế ngay để có phương án xử trí kịp thời, hoặc đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để tránh biến chứng nặng.

Khi tư vấn từ xa hay khám tại địa phương, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên y tế về diễn biến bệnh và chế độ điều trị để có được những điều chỉnh tương đối phù hợp với thực tế bệnh.

Cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh. Chú ý ăn đúng thời gian, đủ bữa, đủ dinh dưỡng, không được bỏ bữa.

Duy trì luyện tập thể lực mỗi ngày như thường quy về thời gian và mức độ, nếu tập ở ngoài nhà cần tuân thủ các biện pháp phòng lây bệnh COVID-19, nếu phải cách ly trong nhà có thể tập các bài tập chống đẩy tay, nâng tạ tay, kéo dây chun, chạy tại chỗ, yoga, dưỡng sinh... Hoạt động thể lực có thể chia làm niều lần trong ngày, mỗi lần từ 15 phút trở lên. Tránh căng thẳng lo âu quá mức.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính không lây, người bệnh có sức đề kháng giảm. Bệnh thường xảy ra ở tuổi trung niên do đó sức tạo ra kháng thể cũng kém…do vậy đối với người đái tháo thường chúng ta nên tiêm vắc xin  ngừa COVID-19 càng sớm, càng tốt.

Người bệnh đái tháo đường có thể tiêm các loại vắc xin ngừa COVID-19, như những người bình thường, tùy từng độ tuổi theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trong mùa dịch bệnh nhân không thể đi khám được hoặc hết thuốc bệnh nhân có thể sử dụng các toa thuốc trước đó, đến cơ sở y tế địa phương hoặc các nhà thuốc uy tín để được hướng dẫn hoặc thay thế bằng các loại thuốc tương đương.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng nhiều người đái tháo đường nguy kịch mùa dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO