Báo động lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam

LẠC HY (tổng hợp)| 22/11/2021 18:10

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu.

khang-sinh-3.png

Các tác nhân gây bệnh đang ngày càng “thông minh”, nguy hiểm và phát triển nhanh hơn so với kháng sinh

Không thể phủ nhận những thành quả to lớn trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn mà kháng sinh đã đóng góp, kể từ khi penicilline được tìm ra hơn 70 năm trước. Tuy nhiên, tình trạng người dân càng lúc càng lạm dụng nó đã dẫn đến những hậu quả khôn lường hiện nay và trong tương lai.

Báo động lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng cao. Đây là nguyên nhân không chỉ gây ra bệnh tật, mà còn kéo theo gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất kinh tế. Một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng có thể kể đến như viêm mũi xoang, viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Hai năm qua trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19, việc sử dụng thuốc kháng sinh sai cách trong đại dịch có thể dẫn đến sự xuất hiện và lan rộng nhanh chóng của tình trạng kháng thuốc.

COVID-19 là do virus gây ra, không phải do vi khuẩn và do đó không nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm virus, trừ khi cũng có nhiễm khuẩn.

Bên cạnh lý do dùng thuốc bừa bãi, tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng… cũng dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh.

khang-sinh-1.jpg
Rất nhiều người dân Việt Nam đang lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2016, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc.

Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng các kháng sinh thế hệ “cũ” (như cephalosporin thế hệ 1, 2) thì Việt Nam đã sử dụng tới những kháng sinh thế hệ “mới” (như cephalosporin thế hệ 3, 4), chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

Từ những thói quen thường ngày

Tình trạng kháng kháng sinh xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Một trong những thói quen dẫn đến tình trạng này mà mọi người không ngờ tới đó chính là tự chẩn đoán, tự điều trị hoặc sử dụng lại đơn thuốc của người thân hay bạn bè có cùng triệu chứng. Thói quen tự chữa bệnh, tự mua thuốc của mọi người đã dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm tăng sự kháng thuốc.

Bên cạnh đó, tình trạng dùng quá liều, không đủ liều hoặc không đủ liệu trình/thời gian dùng kháng sinh cũng có thể gây ra đề kháng thuốc, tạo điều kiện cho các vi khuẩn đề kháng thuốc xuất hiện.

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh không do căn nguyên nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh không còn nhạy cảm với các tác nhân vi khuẩn gây bệnh… cũng làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc.

khang-sinh-2.png

Khi có triệu chứng bệnh nhân cần đến bác sĩ thăm khám và điều trị theo phác đồ được chỉ định

Nhiều chuyên gia cảnh báo loài người có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh bởi sự phát triển của các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của các thuốc kháng sinh mới. Việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới được giới thiệu ra thị trường toàn cầu trong các thập kỷ gần đây.

Mỗi năm, thế giới có hàng trăm nghìn người chết do đề kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỷ USD để kiểm soát đề kháng thuốc, gây ra gánh nặng kinh tế to lớn cho toàn xã hội. Dự kiến đến 2050, số người tử vong vì đề kháng kháng sinh sẽ có thể lên đến con số 10 triệu người.

Khuyến cáo từ WHO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định đề kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, thách thức cho điều trị cũng như dự phòng các tình trạng nhiễm khuẩn trong tương lai.

Để đối phó với hiểm họa đề kháng kháng sinh, mỗi cá nhân cần lưu ý và tuân thủ những nguyên tắc trong việc điều trị và sử dụng kháng sinh:

Chỉ sử dụng kháng sinh khi có toa của bác sĩ và không nên yêu cầu được kê toa kháng sinh nếu bác sĩ không chỉ định. Bác sĩ sẽ là người hiểu rõ bệnh và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, kể cả việc có cần dùng hoặc không cần dùng thuốc.

Hãy giữ kháng sinh cho riêng mình: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những tình trạng nhiễm khuẩn khác và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến việc vô tình lựa chọn các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.

Không dùng thuốc kháng sinh còn lại từ những lần bệnh trước đó cho những lần sử dụng sau.

Dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ: Nếu bạn được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ là dùng kháng sinh như thế nào, liều lượng ra sao, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.

Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng ngừa, chống nhiễm khuẩn: che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị bữa ăn hoặc trước khi ăn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo động lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO