Báo động giới trẻ ngày càng lạm dụng chất gây nghiện

ANH ĐÀO| 10/08/2022 16:14

Các bác sĩ cho biết, tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng, đặc biệt nữ giới.

bong_cuoi_nu_cuoi.jpeg
Bóng cười 1 chứa chất gây nghiện nguy hiểm đến sức khỏe nếu lạm dụng - Ảnh:Internet

3 lần nhập viện vì hoang tưởng

Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.T. (nữ, ở Vĩnh Phúc) vào viện lần thứ 3 vào ngày 18/6 vừa qua do thường xuyên cáu gắt và cho rằng có người hại mình. Thậm chí, nhiều đêm chị T. không ngủ, tay cầm dao đi đi lại lại, cho rằng có người rình rập hại mình.

Mẹ chị T. kể ngay từ khi học cấp III, T. thường xuyên tụ tập bạn bè và có sử dụng thuốc lá, rượu bia. Sau khi học xong cấp III, chị T. học chăm sóc da và làm đẹp, sau đó có mở 2 spa làm việc. Sau khi có thu nhập ổn định, chị T. bắt đầu dùng nhiều loại chất gây nghiện. Chị sử dụng bóng cười cách đây hơn 1 năm, sau đó sử dụng MDMA (thuốc lắc).

Sau khi dùng chất gây nghiện kéo dài, tần suất tăng dần, chị T. bắt đầu nghe thấy tiếng nói trong đầu, tiếng người khác chửi mắng khiến chị cáu gắt đập phá đồ đạc.

Tại lần nhập viện đầu, chị T. được chẩn đoán rối loạn tâm thần. Sau điều trị 10 ngày, chị T. dần ổn định, hết tiếng nói trong đầu, ăn ngủ tốt hơn. Chị T. được ra viện nhưng không đến tái khám theo lịch hẹn.

Sau đó, chị T. tiếp tục "tái nghiện" và phải nhập viện đến lần thứ 3 với chẩn đoán rối loạn tâm thần do sử dụng đa chất (cần sa, N2O) với hoang tưởng chiếm ưu thế.

Trước đó, một thanh niên Nam bệnh nhân 26 tuổi vừa vào điều trị tại Bệnh viện Medlatec sau khi có biểu hiện tê bì tứ chi và yếu hai chân...

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn - người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân ở Tây Hồ, Hà Nội - cho biết sau khi cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh mạn tính trên nền tiền sử sử dụng bóng cười tần suất cao. Cụ thể bệnh nhân đã dùng bóng cười liên tục khoảng 10 quả/tuần trong 1 năm gần đây.

20190911_112346_842838_cac-phuong-phap-xet.max-1800x1800.jpg
Ngoài bóng cười, một số các chất gây nghiện như ma túy, cần sa cũng được lạm dụng ở giới trẻ - Ảnh:Internet

Bóng cười được cung cấp nhiều nơi

Theo bác sĩ Tuấn, khí N2O có trong bóng cười được gọi là "khí cười" vì sau khi hít, khí này gây ảo giác, kích thích, gây hưng phấn khiến người dùng cười nhiều. Hiện nay các quán cà phê, quán bar, thậm chí quán vỉa hè cũng cung cấp bóng cười, thu hút nhiều thanh thiếu niên. Giới trẻ coi bóng cười như một thú vui an toàn và đang lạm dụng.

Bác sĩ Tuấn cũng chia sẻ thêm trước đây N2O được sử dụng trong y tế do tác dụng giảm lo âu, tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ gây tác hại đến hệ thần kinh và tim mạch, gây tổn thương thần kinh ngoại biên và làm ảnh hưởng quá trình chuyến hóa vitamin B12.

Lạm dụng N2O còn dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, tổn thương thần kinh trung ương, ngay cả khi sử dụng nồng độ thấp thì người dùng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác.

Người bị bệnh tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan đường hô hấp nếu sử dụng khí N2O có thể bị nguy hiểm tính mạng. N2O cũng gây ảo giác, có dấu hiệu như ma túy tổng hợp.

Còn TS Lê Thị Thu Hà - trưởng phòng điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần, Bạch viện Bạch Mai - cho biết tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng, đặc biệt nữ giới có xu hướng sử dụng các chất này tăng lên, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng hoang tưởng do sử dụng chất gây nghiện kéo dài.

Nguyên nhân thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện gia tăng có yếu tố môi trường (tương tác xã hội, stress, gia đình) và nguyên nhân về sinh lý (gene và biểu sinh, giới). Một số chất gây nghiện thanh thiếu niên thường sử dụng, lạm dụng là nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), N20.

Theo các bác sĩ, khi lạm dụng chất gây nghiện sẽ làm biến đổi chất dẫn truyền tế bào não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn tình dục, rối loạn hành vi.

Theo TS Hà, việc lạm dụng rượu, cần sa và các chất gây nghiện khác sẽ làm khiếm khuyết về cấu trúc và chức năng của não. Những trẻ uống rượu nhiều năm sẽ giảm thể tích hồi hải mã (một cấu trúc quan trọng của não bộ, có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ), vỏ não trước trán, tiểu não. Kết quả dẫn đến suy giảm trí nhớ, sự chú ý và tốc độ xử lý thông tin và chức năng điều hành, việc lập kế hoạch, giải quyết các vấn đề sau này.

"Đối với trẻ vị thành niên, việc điều trị sử dụng chất gây nghiện cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Gia đình, cộng đồng và quy định pháp luật là những khía cạnh quan trọng trong quá trình điều trị", TS Hà thông tin.

ThS Bùi Văn Toàn, phòng tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần, cho rằng việc điều trị khi trẻ sử dụng chất gây nghiện dựa vào gia đình là vô cùng quan trọng.

"Ngay khi trẻ có biểu hiện hoặc phát hiện trẻ có sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tỏ rõ quan điểm, đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Chủ yếu, trẻ sử dụng chất gây nghiện do nguyên nhân stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần theo dõi, giải quyết những vấn đề của trẻ để trẻ không tái sử dụng chất gây nghiện", ThS Toàn nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo động giới trẻ ngày càng lạm dụng chất gây nghiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO