Báo động bệnh lý về tiêu hóa đang gia tăng

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 20/04/2022 18:25

Những năm gần đây, bệnh về đường tiêu hóa rất phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân chính là do môi trường, lối sống, chế độ ăn uống, trong đó, phần lớn là do lối sống, ăn uống. Bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

hoi-chung-ruot-kich-thich5.jpeg
Nhiều người Việt đang đứng trước nguy cơ mắc bệnh lý về tiêu hóa - Ảnh: Internet

Ảnh hưởng từ lối sống

Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét đại tràng, tiêu chảy, táo bón… là những vấn đề thường gặp ở đường tiêu hóa của người lớn, trẻ nhỏ Việt Nam.

Theo thống kê của tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính tại Việt Nam năm 2018 có 14.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Bên cạnh đó, ung thư dạ dày cũng đứng thứ 3 tại Việt Nam sau ung thư gan, ung thư phổi. Những bệnh lý này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Phần lớn chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Theo thống kê, Việt Nam mỗi ngày có hơn 100 người mắc mới các loại ung thư đường tiêu hóa và con số này vẫn liên tục tăng lên mỗi năm. Từ các con số thống kê ở trên có thể thấy các bệnh về đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng báo động đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến với sức khỏe của người dân Việt Nam.

PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết mỗi ngày, bảy phòng khám tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca; trong đó, lượng bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích chiếm tới 70%. Đặc biệt, có rất nhiều người bệnh đã được điều trị ổn định, nay bệnh tái phát.

photo-1-1556875023771384416513-116.jpeg
Cân bằng lối sống giảm thiểu các bệnh về tiêu hóa - Ảnh: Internet

Nhiều bệnh nhân gặp lo toan và biến cố lớn

Bác sĩ Hoàng cho biết đa phần tất cả người bệnh này khi được khai thác bệnh sử đều chia sẻ mình đang gặp những lo toan và biến cố lớn trong cuộc sống.

Có bệnh nhân bị áp lực kinh tế, công việc thay đổi, thu nhập bị cắt giảm; quá tải khi phải choàng gánh thêm quá nhiều việc ở cơ quan lẫn gia đình; đau buồn vì có người thân qua đời trong đại dịch...

Những nhóm bệnh tiêu hóa dễ khởi phát do yếu tố tâm lý:

- Viêm loét dạ dày: Tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mòn, lộ ra lớp mô bên dưới dẫn tới các ổ loét và chảy máu. Nếu không được can thiệp, phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị suy kiệt, thậm chí tử vong vì chảy máu.

Viêm loét dạ dày có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Căng thẳng, lo âu quá mức làm dịch vị dạ dày tăng tiết gây mất cân bằng chức năng dạ dày. Bên cạnh đó, ăn uống không điều độ và sử dụng nhiều chất kích thích, gia vị (đồ ăn cay nóng, chua, rượu bia…) cũng ảnh hưởng chức năng co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị dạ dày dẫn tới viêm loét niêm mạc dạ dày.

- Trào ngược dạ dày thực quản: Chính là trào ngược dịch a-xít trong dạ dày. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng lên cơ quan hô hấp (viêm thực quản…), khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng.

Các dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám trào ngược dạ dày thực quản là: ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nóng rát vùng ngực dưới lan lên cổ, khó nuốt, ho, khản giọng, đắng miệng.

- Hội chứng ruột kích thích: (còn gọi là viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt). Bệnh này khi đi khám thì không phát hiện ra bất thường về mặt giải phẫu học nhưng bệnh nhân lại dễ dàng bị các rối loạn chức năng ruột tái đi tái lại. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tính mạng, là bệnh lành tính nhưng mang tới khá nhiều rắc rối, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của bệnh nhân.

Những nguyên nhân hàng đầu được cho rằng có liên quan tới hội chứng ruột kích thích: stress, thực phẩm (tùy cơ địa mỗi người), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, yếu tố di truyền và sự thay đổi nồng độ hoóc-môn ở phụ nữ vào chu kỳ kinh nguyệt.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là đau bụng, đi tiêu phân lỏng hoặc táo bón (nhưng trong phân không có lẫn máu). Cơn đau có thể xảy ra ngay trong hoặc sau khi ăn và tự hết sau khi bệnh nhân đi tiêu. Bệnh này tái đi tái lại và gặp nhiều ở phụ nữ.

Ngày nay, ngay cả trẻ em cũng được ghi nhận là mắc hội chứng ruột kích thích, khả năng liên quan đến áp lực học hành và thi cử.

TS Vũ Trường Khanh - Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết  những năm gần đây, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về lý đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm và nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ với những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân. Bệnh thường gặp là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng... nặng hơn thì phát hiện ung thư

“Ngày xưa người Việt ăn nhiều rau xanh hơn bây giờ. Liệu trong thực phẩm hiện nay có chất bảo quản không? Chúng tôi không khẳng định. Nhưng rõ ràng hiện nay việc ăn ít rau, chất xơ. Ngày xưa bệnh về đường tiêu hóa ít nhưng bây giờ lại gia tăng. Về cơ chế sinh bệnh, người ta thấy có liên quan đến kháng nguyên, vi sinh vật. Mỗi loại sinh vật lại sống trong môi trường khác nhau.

Nếu ăn nhiều thịt hoặc nhiều rau thì các loại vi sinh vật cũng phát triển khác nhau, tác động đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể, chống lại chính những tế bào ở thành ruột. Thứ 2 là bia rượu cũng tàn phá hệ tiêu hóa và sức khỏe của chúng ta rất nhiều. Nó làm rối loạn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Rượu bia cũng gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá”- TS Vũ Trường Khanh nói.

Do đó, TS Khanh cho hay, người dân cần phải có lối sống, sinh hoạt điều độ, chế độ dinh dưỡng cũng cần điều chỉnh hợp lý. Quan trọng nhất là chúng ta cần phải phòng bệnh trước khi có bệnh, bởi bệnh lý đường tiêu hoá thường dai dẳng và có yếu tố liên quan đến lối sống, sinh hoạt

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo động bệnh lý về tiêu hóa đang gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO