Bảo đảm khen thưởng chính xác, chú trọng người lao động trực tiếp sản xuất

28/10/2021 12:37

Các hình thức khen thưởng phải bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học… 

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có 8 chương và 98 điều, trong đó các nội dung được sửa đổi bổ sung bao gồm: Nội dung về thi đua, khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đã thực hiện ổn định thời gian qua để phù hợp hơn với thực tiễn; bổ sung danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ" cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên và danh hiệu "Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh" cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào.

Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu nhấn mạnh quan điểm, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải trên cơ sở kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành; nội dung sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng.

Việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phải bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng.

Một số ý kiến cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc. Đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại).

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động thi đua, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, dự án Luật sửa đổi phải bảo đảm thi đua mang ý nghĩa thực chất, bản chất của thi đua; tránh tình trạng hành chính hóa trong hoạt động thi đua; phải bảo đảm thi đua mang tính chất tự nguyện, tự giác để phát huy tối đa được sức mạnh của tập thể, cá nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Tương tự, khen thưởng cũng vậy, phải kịp thời, đúng đối tượng, thực chất và hiệu quả.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phạm vi, đối tượng, thẩm quyền phát động thi đua để khuyến khích, huy động các cấp, các ngành, mọi tầng lớp tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần phải khắc phục được bệnh hình thức, tránh cào bằng, tình trạng nể nang trong bình bầu thi đua. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng các quy định cụ thể để khuyến khích, kịp thời khen thưởng cho người lao động trực tiếp, khen thưởng về những thành tích đột xuất đối với tập thể và cá nhân.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị giữ nguyên đối tượng nhạc sĩ để xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú như Luật hiện hành, bởi “nhạc sĩ đóng vai trò quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nếu không có nhạc sĩ lấy đâu ra tác phẩm cho nhạc công, ca sĩ thể hiện”.

Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Văn Phước tại điểm cầu Quảng Nam cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi hoàn toàn Luật Thi đua khen thưởng trước đây. Đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận của mình để khẳng định sự đúng đắn khi Chính phủ bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật để tặng thưởng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc, mồ hôi và máu của hàng triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống để có được nền độc lập, hòa bình hôm nay. Trong số ấy, có công lao đóng góp to lớn của những người mở đường, tiếp lương, tải đạn - lực lượng thanh niên xung phong. Đại biểu Dương Văn Phước chia sẻ, nguyện vọng lớn nhất của thanh niên xung phong là có “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, được đưa vào danh mục huân, huy chương cấp Nhà nước để tặng cho những cá nhân tiêu biểu của lực lượng này trong thời kỳ kháng chiến, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đại biểu Quốc hội, bên cạnh tôn vinh, ghi nhận cống hiến của các thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam trong kháng chiến, việc khen thưởng này còn khích lệ phong trào thanh niên tình nguyện ngày nay.

Hải Liên

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bảo đảm khen thưởng chính xác, chú trọng người lao động trực tiếp sản xuất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO