Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được tuyên truyền sâu sắc, toàn diện hơn nữa. Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã nói nhiều về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đối với đời sống và sinh kế của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ươngtạiDiễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ V - năm 2021 |
Thời gian tới, phải làm cho người dân nhận thức được sâu sắc hơn về vai trò của tài nguyên, môi trường biển, hải đảo trong phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế biển, từ đó sẽ tạo được thêm nhiều nguồn lực cho đất nước; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển; chủ động ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và hải đảo. Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho dân cư vùng biển để họ nâng cao trách nhiệm đối với môi trường sống.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, báo chí, truyền thông không chỉ phản ánh thực trạng và tác hại của ô nhiễm môi trường biển mà cần phân tích thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, từ đó chuyển tải thông điệp về ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần tự giác, chủ động, hành động khắc phục tình trạng đó
Việt Nam đang là một quốc gia chịu nhiễm ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa, và chất thải rắn sinh hoạt. Nguồn tài nguyên đang bị khai thác thiếu khoa học, đe dọa nguồn cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Sự ô nhiễm tập trung ở một số nguyên nhân, như: sử dụng chất nổ, dùng điện, chất độc để đánh bắt thủy hải sản khiến các loài sinh vật chết hàng loạt. Các vùng nước lợ, rừng ngập mặn ven biển và các hệ rạn san hô không được bảo tồn tốt dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển và làm mất đi môi trường sống của một số loài lưỡng cư. Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp đổ ra sông, chảy ra biển. Việc vứt rác thải bừa bãi, thiếu văn hóa từ hoạt động du lịch.
Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được tuyên truyền sâu sắc, toàn diện hơn nữa |
Việc khai thác dầu và các sự cố tràn dầu làm nước biển nhiễm một số chất độc hại. Lượng chất thải rắn; lượng nước thải sinh hoạt ở các khu du lịch ven biển đã làm thay đổi cảnh quan ven biển, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại về kinh tế, đời sống, sinh kế cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khôn lường đối với hệ sinh thái biển.
Cạnh đó, bà Hoài còn cho hay, việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần phải được thực hiện thường xuyên, có hệ thống, linh hoạt, sáng tạo hơn để kiến thức pháp luật, chính sách đến được với những đối tượng quan trọng, đặc thù
Những năm qua Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển. Khi tuyên truyền, phải làm rõ các nội dung sau:
Làm rõ mục tiêu trọng tâm của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển là: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước. Thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… qua đó, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương…
Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ V - năm 2021 được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa vào sáng nay (11/12) |
Theo bà Hoài, việc tuyên truyền những bước tiến bộ trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, như: hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày càng được quan tâm đầu tư và đẩy mạnh. Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng. Công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được chú trọng. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển được tăng cường…
Chỉ ra những bất cập trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, như: Nhận thức và trách nhiệm của không ít các cấp, các ngành và người dân về bảo vệ môi trường biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển cần được sớm hoàn thiện hơn; công tác giám sát việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường biển còn yếu.